Thứ hai 23/12/2024 18:32

Cử tri Hải Phòng kiến nghị gì với Đoàn đại biểu Quốc hội?

Ngày 11/5, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã tổ chức buổi tiếp xúc cử tri huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 18 điểm cầu xã, thị trấn của huyện Kiến Thụy với sự tham dự của gần 1.000 cử tri.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, một số nội dung được cử tri huyện Kiến Thụy quan tâm, kiến nghị, gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội; lĩnh vực đất đai, giáo dục, nông nghiệp, bảo hiểm xã hội, chuyển đổi số, về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và một số dự thảo luật,…

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Cấn Dũng

Về lĩnh vực đất đai, cử tri Đào Hồng Quân, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Thụy cho biết, quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai tại các địa phương. Có một thực tế hiện nay là giá đất ở xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, giá đất ở để tính tiền bồi thường, giá đất nông nghiệp tính tiền bồi thường, hỗ trợ tại khu vực đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói chung, huyện Kiến Thụy nói riêng có sự chênh lệch nhau khá lớn dẫn đến người có đất bị thu hồi có sự so sánh, không đồng thuận trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở thực hiện các dự án. Vì vậy đã gây khó khăn cho các địa phương trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đồng thời có tác động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Cử tri Đào Hồng Quân đề nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 trong trường hợp Quốc hội quyết định sửa đổi Khoản 1 Điều 252 để Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024. Trong đó có Nghị định quy định chi tiết về giá đất và các phương pháp định giá đất để cụ thể hoá nguyên tắc định giá đất theo nguyên tắc thị trường quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 158 Luật Đất đai năm 2024 đảm bảo giá đất tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án không có sự chênh lệch nhau quá lớn, góp phần tạo sự đồng thuận của người có đất bị thu hồi, đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án, giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn trong xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cử tri Đào Hồng Quân, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Thụy góp ý về lĩnh vực đất đai. Ảnh: Cấn Dũng

Bên cạnh đó, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Thụy cũng đề nghị Quốc hội, Thủ tưởng Chính phủ xem xét quy định về nội dung: Giá đất nông nghiệp để tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án áp dụng giá đất hàng năm cấp tỉnh để giảm bớt thủ tục hành chính và tiết kiệm tiền ngân sách do chi phí thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể.

Về lĩnh vực giáo dục, cử tri Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy nêu 2 nội dung: Thứ nhất, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương quy trình bổ nhiệm lại đối với các trường hợp viên chức giáo viên mầm non, phổ thông thuộc đối tượng khoản 12 Điều 5 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Kể từ ngày 3/11/2015 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông được bổ nhiệm vào hạng cao hơn sau khi hết thời gian tập sự hoặc sau khi đạt trình đào tạo cao hơn trình độ quy định nhưng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn cũng như chưa trúng tuyển trong kỳ thi hoặc xét thăng hạng do cấp có thẩm quyền tổ chức thì phải thực hiện bổ nhiệm lại vào đúng hạng theo quy định (bao gồm cả trường hợp tuyển dụng trước ngày 3/11/2015 và hoàn thành thời gian tập sự theo quy định sau ngày 3/11/2015).

Thứ hai, theo Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018 về việc Hướng dẫn thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Khi sáp nhập có thể thực hiện mô hình trường liên cấp trong cùng địa bàn đối với trường tiểu học có quy mô dưới 10 lớp. Tuy nhiên, sau sáp nhập gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Quy định về số lượng, trình độ của Phó hiệu trưởng dẫn đến thiếu Phó hiệu trưởng có chuyên môn phụ trách bậc tiểu học; cách tính số tiết cũng như phụ cấp nghề cho giáo viên khi thực hiện giảng dạy ở cả hai cấp học. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể đối với mô hình trường liên cấp.

Về dự thảo sửa đổi, bổ dung một số điều Luật Đấu giá tài sản, cử tri Vũ Duy Phan, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kiến Thụy cho hay: Hiện tại, số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá thực hiện theo Khoản 1, Điều 39, Luật đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17/11/2016 quy định “Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá”. Sau khi nghiên cứu Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đấu giá tài sản, số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá quy định tại Điểm 1a, Khoản a, Mục 22, Điều 1 của dự thảo vẫn quy định “Tiền đặt trước do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiếu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá”.

Cử tri Vũ Duy Phan, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kiến Thụy góp ý về dự thảo sửa đổi, bổ dung một số điều Luật Đấu giá tài sản. Ảnh: Cấn Dũng

Trên thực tế khi triển khai thực hiện, nhận thấy một số người tham gia đấu giá chạy theo hiệu ứng đám đông đẩy giá cao hơn thị trường, khi trúng đấu giá không giao dịch, chuyển nhượng được thì sẵn sàng bỏ cọc… Do vậy, đề nghị cần có những quy định, chế tài cụ thể hơn để áp dụng trong các cuộc đấu giá, như: Quy định rõ về việc nếu người tham gia đấu giá bỏ cọc thì sẽ cấm tham gia đấu giá trong vòng 3-5 năm; tăng số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá: Hiện tại quy định người tham gia đấu giá phải đặt trước số tiền tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Đề nghị chỉnh sửa “số tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 40-50% giá khởi điểm của tài sản đấu giá” để tránh tình trạng bỏ cọc.

Về lĩnh vực nông nghiệp, cử tri Nguyễn Thị Hà, Hợp tác xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy chỉ ra vướng mắc các luật liên quan đến ngành nông nghiệp. Theo đó, hiện nay nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao là một xu thế tất yếu. Xây dựng nhà kính, nhà lưới hệ thống tưới tiết kiệm… là nội dung được ưu tiên trong canh tác trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (theo quy định tại Khoản 1, Điều 66, Luật Trồng trọt 2018); nhà kính nhà lưới được xây dựng với mật độ phù hợp, giảm hiệu ứng khí nhà kính (Khoản 3, Điều 66, Luật Trồng trọt 2018). Khi triển khai thực hiện trong thực tế thì bị vướng quy hoạch nội bộ đất nông nghiệp, thủ tục chuyển đổi mục đích nội bộ nhóm đất nông nghiệp gặp khó khăn…

Cử tri Nguyễn Thị Hà, Hợp tác xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy góp ý về lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Cấn Dũng

Tại Khoản 2, Điều 9, Luật Đất đai 2024 quy định nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất: Đất trồng cây hằng năm (gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác); đất trồng cây lâu năm; đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; đất nuôi trồng thủy sản; đất chăn nuôi tập trung; đất làm muối; đất nông nghiệp khác. Trong đó không quy định cụ thể nhóm đất nông nghiệp khác là những loại đất nào.

Đây là điểm khác so với Luật Đất đai 2013 (Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh).

Cử tri Nguyễn Thị Hà kiến nghị việc lắp dựng nhà kính, nhà lưới, các trang thiết bị để phục vụ sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao thì được thực hiện trên loại đất nông nghiệp nào; có được thực hiện trên đất trồng lúa khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng không?

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV thành phố Hải Phòng, tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố đã được các đồng chí lãnh đạo thành phố, sở, ban, ngành giải đáp cụ thể.

Đối với những vấn đề cử tri kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương sẽ được các vị đại biểu Quốc hội và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố ghi chép, tổng hợp đầy đủ và xây dựng báo cáo chung của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, gửi đến Quốc hội và các cơ quan Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”, đồng chí Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Đồng chí Lê Tiến Châu cũng lưu ý, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng theo chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các bộ, ngành Trung ương để thông tin kịp thời tới cử tri huyện Kiến Thụy nói riêng, cử tri và nhân dân thành phố nói chung.

Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề: TP. Hải Phòng

Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương: Quyết tâm tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo trong chống lãng phí để phát triển bền vững

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

PGS.TS. Lê Hải Bình: Chống lãng phí - Điều kiện tiên quyết để đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng chúc mừng Giáng sinh 2024 tại Giáo xứ Lào Cai

Chống lãng phí cũng phải quyết liệt, đồng bộ như chống tham nhũng

Khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

Cơ hội lớn cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người

Thủ tướng: Đà Nẵng 'đi trước mở đường' trong định hướng xây dựng quốc gia thương mại tự do

Thủ tướng chủ trì phiên họp về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025