Theo nhận định của Tổ Điều hành thị trường trong nước, 6 tháng đầu năm, cung cầu các hàng hóa thiết yếu cơ bản ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến do nguồn cung hàng hóa được các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị tốt. Thêm vào đó chương trình bình ổn thị trường được nhiều địa phương triển khai tốt nên giá hàng hóa không có biến động lớn.
Riêng giá thịt lợn hơi tăng trở lại bởi nguồn cung thị trường bắt đầu có dấu hiệu giảm do quy mô chăn nuôi hộ giảm mạnh. Trong khi đó, lượng lợn bị dịch phải tiêu hủy chiếm 10% tổng đàn lợn. Các chuyên gia đề xuất, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có phương án triển khai chương trình bình ổn thị trường các tháng cuối năm, trong đó có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phân phối, chế biến thịt lợn trên địa bàn thực hiện thu mua thịt lợn đã có chứng nhận của thú y để cấp đông và cung cấp cho thị trường các tháng cuối năm.
Giá xăng dầu 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước |
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 2.391.136 tỷ đồng, tăng 11,48% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm tăng khoảng 8,6%. Trong nhóm 11 hàng hóa và dịch vụ chính thì có 3 nhóm hàng hóa giảm giá và 8/11 nhóm tăng giá. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước tính tháng 6 giảm 0,08% so với tháng 5 do các mặt hàng xăng dầu, thịt lợn, lương thực giảm trong kỳ tính chỉ số tháng 6. Ước CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2018, bình quân mỗi tháng tăng khoảng 0,23%.
Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp dự báo CPI sẽ giữ ở mức thấp trong nửa cuối năm và bình quân cả năm có thể chỉ tăng khoảng 3,5-3,6% so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn nhiều so với mục tiêu là tăng khoảng 4%.
Các yếu tố củng cố cho nhận định này là giá dầu thô thế giới sẽ khó tăng mạnh, có thể ổn định ở mốc 60 USD/thùng so với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm 2019 giảm khoảng 3,55% so với cùng kỳ 2018. Sức ép lên tỷ giá USD/VND, lãi suất VND trong nửa cuối năm sẽ giảm đi nhiều và tiếp tục mặt bằng như hiện nay. Giá hai nhóm hàng là dịch vụ y tế và giáo dục sẽ không tăng đáng kể sau nhiều năm liên tiếp điều chỉnh mạnh. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, sức mua tiêu dùng trong nước ổn định.
Cùng với đó, nhiều mặt hàng nguyên liệu vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp nguồn cung dồi dào, giá ổn định cũng sẽ giúp bình ổn thị trường các tháng cuối năm.
Trong khi đó, bức tranh xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng với mức tăng khoảng 7,3% cùng mức nhập siêu chỉ 34 triệu USD thể hiện sự nỗ lực của cơ quan điều hành và các doanh nghiệp. Có 22 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Xuất khẩu các doanh nghiệp trong nước tăng 10,8% trong khi thay vì "dồn toa" cho các nhóm hàng nông sản thì nay đã được chuyển sang cho các doanh nghiệp chế biến, chế tạo như gỗ, dệt may, cao su.
Đáng chú ý theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đều đã tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với tốc độ tăng trưởng cao trên 20% vào hai thị trường Canada và Mexico.