![]() |
Ông Lê Thanh Nhân - Giám đốc |
Nằm trên địa bàn tỉnh Long An với lợi thế kết nối với các vùng nông sản, cây trái Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã giúp cho công ty xây dựng được nguồn cung cấp hàng ổn định phục vụ xuất khẩu. Thêm vào đó, Long An nằm giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng xuất khẩu đến các cảng kịp thời. Với việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Vinagrin đã góp phần tiêu thụ một lượng lớn nông sản của tỉnh Long An nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung, góp phần đưa khẳng định vị thế hàng nông sản Việt trên trường quốc tế.
Để bảo đảm nguồn hàng xuất khẩu, bên cạnh việc thu mua nguyên liệu ở các địa phương lân cận, Vinagrin còn đầu tư phát triển vườn cây ăn trái theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP để chủ động về nguồn hàng xuất khẩu và quan trọng hơn là kiểm soát được chất lượng sản phẩm theo chu trình khép kín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, Vinagrin còn đầu tư xây dựng nhà đóng gói và kho lạnh để bảo đảm các sản phẩm cung ứng đạt chất lượng tươi ngon, đạt chuẩn trong xuất khẩu.
Hiện nay, 70% sản phẩm của Vinagrin được xuất khẩu trực tiếp, 30% xuất khẩu gián tiếp qua các đối tác trong nước với sản lượng khoảng 3.000- 4.000 tấn/năm. Sản phẩm của Vinagrin đã hiện diện tại nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Giám đốc Vinagrin Lê Thanh Nhân chia sẻ: Với tôn chỉ đề cao chữ tín và chất lượng, các sản phẩm của Vinagrin luôn bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn xuất khẩu… được các đối tác, khách hàng tín nhiệm.
Đáp ứng yêu cầu mở rộng kinh doanh, Vinagrin chuẩn bị khai trương văn phòng giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh để đẩy mạnh hoạt động thương mại cũng như tăng cường tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, hướng tới nâng cao kim ngạch xuất khẩu, đưa Vinagrin trở thành thương hiệu được các đối tác, khách hàng tin cậy.
Theo ông Nhân, Long An sở hữu tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, thời gian qua, thế mạnh này vẫn chưa được tỉnh khai thác hiệu quả, năng suất, chất lượng nông sản còn thấp. Để giải quyết những khó khăn đó, đưa ngành nông nghiệp địa phương phát triển xứng tầm, Long An cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân; đồng thời có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù để khuyến khích nông dân tăng gia sản xuất hàng nông sản chất lượng cao, hợp chuẩn để xuất khẩu.
Ngoài ra, tỉnh cần tăng cường liên kết “bốn nhà” để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo đầu ra cho sản phẩm để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Đây chính là con đường duy nhất gia tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao hiệu quả của ngành nông nghiệp, đưa kinh tế nông nghiệp Long An phát triển bền vững.
Long An cần tăng cường liên kết “bốn nhà” để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo đầu ra cho sản phẩm để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. |