Xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc: Cần gỡ ''nút thắt'' từ nội tại Yến sào Sóc Trăng: Hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm Cần xây dựng thương hiệu ngành yến sào theo chuẩn quốc tế |
Yến sào là 'mỏ vàng trắng' của Việt Nam
Trong bản đồ các ngành nông nghiệp giá trị cao, yến sào chính là "mỏ vàng trắng" của Việt Nam. Ước tính mỗi năm, thị trường yến sào có thể tạo ra doanh thu hơn 600 triệu USD, với sản lượng khoảng 150 tấn tổ yến, trong đó riêng thị trường nội địa đã nuốt trọn gần 50 tấn. Với bờ biển dài, khí hậu nóng ẩm đặc thù, Việt Nam gần như được thiên nhiên ưu ái để nuôi chim yến, một lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có.
Bên cạnh đó, Việt Nam nắm trong tay nhiều lợi thế, từ kinh nghiệm nuôi yến truyền thống đến vị trí địa lý gần các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, khi hành lang pháp lý được hoàn thiện, Bộ Tiêu chuẩn Quốc gia về yến sào được ban hành và công tác giám sát được siết chặt, vi phạm bị xử lý nghiêm minh thì thị trường yến Việt Nam hoàn toàn có thể cất cánh vững vàng trên hành trình chinh phục thị trường quốc tế.
![]() |
Yến sào được ví là 'mỏ vàng trắng' của Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, đi cùng tiềm năng là hàng loạt thách thức hiện hữu, chẳng hạn như thực trạng hàng giả, hàng nhái yến sào. Trên thực tế, hiện có không ít nơi sử dụng chiêu trò hóa phép sản phẩm rẻ tiền, hô biến những hỗn hợp mủ trôm, gelatin, bột rau câu, lòng trắng trứng… trở thành "tổ yến" xịn rồi bán với mức giá hàng triệu đồng. Hoặc phổ biến hơn là sự mập mờ về nguồn gốc nguyên liệu của yến sào.
Những hiện tượng gắn mác yến đảo nguyên tổ Việt Nam cho sản phẩm của mình dù thực chất chỉ là yến nuôi, yến vụn được nhập khẩu từ các quốc gia lân cận, chất lượng khá nhiều. Điều đó khiến người tiêu dùng thì hoang mang, khó biết nguồn gốc chính xác của sản phẩm.
Đằng sau những tổ yến đậm chất Việt
Ngoài ra, giữa thời đại công nghệ số bùng nổ, những sản phẩm tổ yến qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội nhiều khi thêm những lời quảng cáo "có cánh", phóng đại về công dụng.
Theo phản ánh của bạn đọc, thời gian qua, nhiều website của doanh nghiệp đã đăng tải hàng loạt nội dung quảng cáo có dấu hiệu không đúng sự thật, thổi phồng công dụng. Chẳng hạn, một số sản phẩm được rao bán như thể là thuốc tiên, giúp hồi phục sức khỏe, trẻ hóa làn da, ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa, thậm chí… thúc đẩy trẻ nhỏ phát triển toàn diện.
Những tuyên bố trên hoàn toàn không có căn cứ khoa học, vi phạm Luật Quảng cáo 2012. Chúng không khác gì một "liều thuốc tinh thần" được trộn từ kỳ vọng và ngôn từ mỹ miều, nhằm đánh vào tâm lý của người tiêu dùng.
Không chỉ dừng lại ở vi phạm nội dung quảng cáo, không ít website còn có chức năng bán hàng, đặt hàng trực tuyến, thanh toán. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP, các trang web này chưa hoàn tất thủ tục đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương, thông qua địa chỉ web là "online.gov.vn" - Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang hoạt động ngoài vùng kiểm soát, vi phạm quy định về thương mại điện tử.
Đặc biệt, đằng sau những lời quảng cáo ấn tượng về sản lượng và hệ thống phân phối là sự băn khoăn, trăn trở đối với các sản phẩm yến sào có dấu hiệu mập mờ về nguồn gốc.
Dù các doanh nghiệp không ngừng nhấn mạnh hình ảnh "yến thuần Việt", quảng bá rầm rộ về mô hình "nuôi yến tại nhà" hay "liên kết thu mua nội địa", nhưng thực tế có thể phức tạp hơn nhiều, và không ít trường hợp, những tuyên bố ấy chỉ dừng lại ở mức thông điệp tiếp thị.
Trong khi đó, thị trường ghi nhận việc một số đơn vị nhập khẩu số lượng lớn tổ yến từ Indonesia hoặc Malaysia, vốn là những nơi có giá thành thấp hơn đáng kể, để gia tăng biên lợi nhuận.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết với người tiêu dùng, phải tỉnh táo, chủ động truy xuất và xác minh nguồn gốc các sản phẩm yến sào cũng như thực phẩm bổ sung sức khỏe, nhằm tránh rơi vào bẫy quảng cáo và đối mặt với những hệ lụy về niềm tin, sức khỏe và tài chính.