Vai trò chủ chốt trong lĩnh vực tư vấn thiết kế ngành hóa chất
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lưu Ngọc Vĩnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị CECO cho biết, CECO được thành lập từ năm 1967 là thành viên của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. CECO chuyên kinh doanh và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tư vấn, thiết kế, mua sắm, thi công xây lắp… và tổng thầu EPC với đội ngũ tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư có nhiều kinh nghiệm, có năng lực trong nhiều chuyên ngành kỹ thuật khác nhau, đã và đang thực hiện dịch vụ tại nhiều công trình quan trọng cho các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Đáng chú ý, CECO đã có thương hiệu trên 50 năm trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, đến nay nhiều công trình phát huy hiệu quả tốt và đã được Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam tặng bằng khen.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại buổi làm việc với Công ty CP Thiết kế Công nghiệp Hoá chất (CECO) |
Từ năm 2010 đến nay, CECO đã thực hiện 70 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật các cấp, về nghiên cứu công nghệ sản xuất, nội địa hoá máy móc, thiết bị, cũng như xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, quản lý chất thải nguy hại và các đề tài về các chuẩn hóa dữ liệu thiết kế. Đa phần các kết quả nghiên cứu này đã được các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng đáp ứng các mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, cũng như đã được áp dụng hiệu quả trong công tác thiết kế và triển khai thi công xây lắp tại các dự án của CECO.
Mặc dù có bề dày kinh nghiệm, theo chia sẻ của lãnh đạo CECO, tại thời điểm này CECO gặp không ít khó khăn do việc cạnh tranh từ các đối thủ trong và ngoài nước, nhiều đơn vị trong ngành cùng tham gia cung cấp một loại hình dịch vụ. Tình trạng chảy máu chất xám cũng diễn ra do bị các công ty nước ngoài hoạt động trong cùng lĩnh vực thu hút đội ngũ cán bộ giỏi. Việc tuyển dụng nhân sự mới có trình độ cao cũng gặp khó khăn do mức lương đề xuất thấp so với mặt bằng chung của thị trường lao động. “Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu và phát triển còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật trên thế giới. Nguồn lực tài chính còn yếu nên dễ bị ảnh hưởng của việc thu hồi công nợ từ các hợp đồng EPC lớn (đơn cử như DAP2, Đạm Hà Bắc, Muối Lào…)” - ông Lưu Ngọc Vĩnh bày tỏ.
Tập trung chiến lược phát triển khoa học công nghệ
Trước những khó khăn trên, ông Lưu Ngọc Vĩnh đề xuất với Bộ Công Thương tạo điều kiện để CECO triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất, hỗ trợ kinh nghiệm để hoàn thiện sản phẩm, nhanh chóng triển khai thương mại hoá, đáp ứng được các nhu cầu ngày càng cao của thị trường. “Đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành định mức dự toán cho việc xây dựng công trình công nghiệp hóa chất, hóa dầu đặc biệt là định mức dự toán thiết kế, chế tạo thiết bị hóa chất, hóa dầu. Đồng thời đề xuất Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan sớm có giải pháp cấp chứng chỉ năng lực cho các ngành nghề thuộc Bộ Công Thương quản lý (hoạt động khoa học, kỹ thuật, tư vấn, thiết kế)”- lãnh đạo CECO đề xuất.
Lãnh đạo CECO cho biết thêm, trong giai đoạn tiếp theo CECO sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn thiết kế, tập trung vào ngành lĩnh vực then chốt (sản phẩm hóa chất cơ bản, hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng, sản phẩm hóa dầu, nhiệt điện); phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn cho người lao động và sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 -2025 CECO đẩy mạnh triển khai các đề tài sẽ theo hướng: Xây dựng chương trình nghiên cứu dây chuyền công nghệ và thiết bị có tính liên tục, dài hạn.
Bên cạnh đó, CECO chủ động xây dựng các chương trình phát triển đề tài khoa học kỹ thuật về công nghệ và thiết bị theo hướng tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an toàn môi trường sao cho phù hợp với thực tế tại các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất, hóa dầu; góp phần tạo môi trường công nghiệp theo hướng xanh – sạch; Xây dựng các bản quyền công nghệ, bản quyền thiết bị cho các dây chuyền công nghệ, thiết bị mà tư vấn thiết kế Việt Nam có thể làm chủ (từ khâu thiết kế, chế tạo, xây lắp, vận hành, chuyển giao công nghệ) hoặc đã được nội địa hóa; Xây dựng các tiêu chuẩn, qui chuẩn ngành hóa chất, các bộ thiết kế điển hình, các bộ định mức dự toán chuyền ngành do Bộ Công Thương chủ trì …
Trước những giải pháp cụ thể về chiến lược phát triển khoa học công nghệ của CECO, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, CECO cần tập trung nghiên cứu sâu các ứng dụng khoa học công nghệ. Thực tế, các sản phẩm, dịch vụ tư vấn, thiết kế CECO không thua kém nước ngoài, nhưng lại không có bản quyền. Do đó cần phải có bản quyền, đây được coi là chiến lược dài hơi. “Cần ưu tiên cho chiến lược phát triển khoa học công nghệ phù hợp với quá tình phát triển công nghiệp. Mặc dù là một đơn vị tư vấn, nhưng nên chú trọng vào phát triển khoa học công nghệ đây cũng là mấu chốt tạo sức bật tốt cho CECO”- ông Trần Việt Hòa cho biết.
Ông Hòa lưu ý, đối với vấn đề sở hữu trí tuệ của CECO, mặc dù vướng mắc trong đăng ký bằng sáng chế, phải đợi 1-2 năm xét đơn, nhưng đây là vấn đề sống còn cần tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới. “Hiện Bộ Công Thương có chương trình đề án chuyển giao nước ngoài phục vụ các ngành công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ cũng đã phối hợp với nhiều ngành dầu khí, mời chuyên gia nước ngoài tham gia, mua bản quyền và đạt hiệu quả tốt ”- ông Hòa thông tin.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất - Bộ Công Thương cho biết, CECO là đơn vị có năng lực trong nhiều chuyên ngành kỹ thuật khác nhau, đã và đang thực hiện dịch vụ tại nhiều công trình quan trọng. Cụ thể, CECO là chỗ dựa tin tưởng, nhưng công trình hóa học lớn nhỏ như: Cao su, săm lốp… giúp cho Cục Hóa chất trong công tác quản lý ngành. Nhưng cho đến thời điểm này công ty phải nỗ lực hơn nữa vượt qua giai đoạn khó khăn. “Kênh nghiên cứu khoa học kết nối với Bộ Công Thương là hết sức cần thiết, cụ thể là nguồn nghiên cứu khoa học, tận dụng các kênh góp phần nâng cao năng lực của CECO trong thời gian tới”- ông Thanh nêu rõ.
Đánh giá cao năng lực của CECO, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhìn nhận, CECO là thương hiệu mạnh trong lĩnh vực tư vấn hóa chất. Mặc dù doanh thu năm 2019 có giảm, nhưng chúng ta cần nỗ lực vượt qua.
Thứ trưởng chỉ ra, đối với CECO, việc đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, nhất là trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão. “Không nên đốt cháy giai đoạn nhưng phải có sức bật, Bộ sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Nâng cao năng lực cạnh tranh của tư vấn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay thông qua các chương trình hợp tác của Bộ Công Thương và các Bộ - Ban – Ngành liên quan; chương trình hợp tác của Bộ Công Thương, các Cục – Vụ trực thuộc Bộ với các đơn vị, tổ chức tư vấn nước ngoài”- Thứ trưởng nói!
Thứ trưởng yêu cầu, hóa chất là một mảng rộng, CECO cần tìm tòi nghiên cứu khoa học với các đề tài cụ thể. Bộ Công Thương sẵn sàng đứng ra “đặt hàng” các doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ kết nối thúc đẩy hỗ trợ đổi mới sáng tạo, xây dựng, phát triển doanh nghiệp nói chung, CECO nói riêng trong thời gian tới.