Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 8/7: Giá xăng dầu sắp giảm mạnh?
Báo điện tử VTCNews có bài “Giá xăng sắp giảm hơn 1.500 đồng/lít?” hay Báo Sức khỏe và Đời sống đăng bài “Giá xăng dầu có thể giảm mạnh đầu tuần tới” và bài “Giá xăng dầu sắp giảm mạnh?” trên trang thông tin điện tử tổng hợp CafeF.
Các bài báo nêu nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500 - 700 đồng với dầu, đồng thời yêu cầu áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh 11/7, cùng với việc giá xăng nhập khẩu đang hạ nhiệt sẽ giúp giá xăng trong nước giảm vào kỳ điều hàng tới.
Cũng liên quan đến vẫn đề xăng dầu, sáng nay Báo điện tử VTV có bài viết “Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân”.
Nội dung bài báo đăng, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng vấn đề địa chính trị và các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế của các nước sau dịch bệnh COVID-19 nên giá xăng dầu thế giới đã liên tục tăng cao. Trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để điều hành bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Thực tế, khi giá xăng dầu tăng cao một số đối tượng người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp, ngư dân đánh bắt thủy, hải sản đã bị tác động lớn dẫn đến phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh và chi tiêu hàng ngày.
Nhằm hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương có hoạt động sản xuất đánh bắt thủy, hải sản rà soát, cân đối, bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.
Về chủ đề xuất nhập khẩu, sáng nay Báo Dân Việt đăng bài “Có Trung Quốc là khách hàng chính, xuất khẩu gỗ của Nga vẫn tăng 18,8%”.
Tác giả bài báo đã dẫn thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu nhận định, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng chịu tác động mạnh mẽ của tình hình lạm phát toàn cầu. Ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 6/2022 đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với tháng 6/2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,14 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
“Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt song số lượng doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế” - là nội dung bài viết “Giải pháp cho doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu” đăng trên Báo Lao động số ra sáng nay.
Tác giả bài báo trích lời ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Những năm qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã và đang cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo.
Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa-cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế.