Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 5/6: 3 giải pháp kiềm chế giá xăng dầu
“Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu 3 giải pháp kiềm chế giá xăng dầu”, đây là bài viết trên trang nhất của Vietnafinance. Theo bài viết, thứ nhất, cần sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu một cách hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới. Việc này cũng góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ việc phục hồi kinh tế.
Thứ hai, điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu. Bộ Công Thương đề xuất và Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và được Quốc hội cho phép giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường với xăng và 70% với dầu hỏa từ ngày 1/4 cho đến hết ngày 31/12/2022.
“Bộ Công Thương cho rằng việc kiềm chế mức tăng giá xăng dầu không phải chỉ là vấn đề của riêng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, mà còn là trách nhiệm của Chính phủ và của các bộ, ngành khác. Vì vậy, cần đề xuất thêm những chính sách an sinh cho người dân và có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh xăng, dầu tăng như hiện nay”, bài báo phản ánh nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương
Cùng nội dung tương tự, báo VTC News có bài viết “Thứ trưởng Công Thương: Giá xăng VN thấp hơn nhiều nước, tăng chậm hơn thế giới”. Bài báo cũng lý giải, có được điều này là do chúng ta đã chủ động, linh hoạt sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu trong suốt thời gian vừa qua, để hạn chế sự biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá quốc tế, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Báo điện tử VOV phản ánh lời Bộ trưởng Bộ Công Thương qua bài “Việt Nam vẫn còn dư địa để kìm hãm đà tăng giá xăng dầu”. Cụ thể, trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Theo Bộ trưởng, về nguyên tắc, tăng giá xăng dầu làm tăng giá vật tư đầu vào, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam đang là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, do đó, nếu "ép giá đầu vào", các nước có thể kiện chúng ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí là thao túng tiền tệ.
Chưa kể, hệ lụy của việc duy trì giá xăng dầu ở mức quá thấp là tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Hiện nay, giá xăng của Việt Nam còn thấp hơn giá thế giới, dẫn tới tình trạng "chảy" xăng dầu ra nước ngoài. Vì thế, cần phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng chứ không nói một chiều. Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, vẫn phải cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, cũng như kiểm soát thị trường để giảm giá. Mục tiêu là để kiểm soát giá, đảm bảo hiệu quả quản lý cả trong nước và phù hợp với quy định, luật pháp quốc tế.
Cùng với giá xăng dầu, năng lượng cũng là lĩnh vực được các trang báo phản ánh nhiều trong ngày hôm nay, 5/6. Báo Giao thông có bài viết “EVN tạm ngưng trả tiền mua điện mặt trời mái nhà, Cục Điện lực nói gì?”.
Theo đó, nhiều chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) ở phía Nam phản ánh việc công ty điện lực tạm ngưng trả tiền mua điện. Nguyên nhân là do ngành điện yêu cầu các chủ đầu tư phải cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng và hồ sơ an toàn phòng chống cháy nổ. Nếu không có tại thời điểm kiểm tra, ngành sẽ ngừng trả tiền mua điện.
Về thông tin này, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, việc yêu cầu cung cấp hồ sơ để đảm bảo nhà đầu tư thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản 7088 của Bộ Công Thương. Theo đó, nhà đầu tư hệ thống ĐMTMN phải cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn, quy định của pháp luật hiện hành, mái nhà của công trình xây dựng phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của công trình xây dựng... để được ký hợp đồng mua bán điện.
Lý giải nguyên nhân việc kéo cáp ngầm ra huyện Côn Đảo, báo Công Thương có bài viết “Tổng công ty Điện lực miền Nam nói gì về dự án kéo cáp ngầm ra huyện Côn Đảo?”.
Việc đầu tư điện gió, điện mặt trời tại huyện Côn Đảo chỉ có thể bổ sung thêm nguồn mà không đảm bảo nguồn điện chính vì thiếu tính ổn định, phụ thuộc vào tốc độ gió theo mùa và số giờ nắng. Mặt khác điện mặt trời chiếm quỹ đất khá lớn với khoảng 01MW/1,2ha, trong khi quỹ đất còn lại của Côn Đảo để đầu tư phát triển rất hạn chế. “Có thể nói, có nhiều phương án cấp điện cho Côn Đảo, song việc lựa chọn phương án vừa đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, bền vững vẫn đang chờ cấp trên xem xét duyệt”, bài báo nhấn mạnh.