Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 3/8: Nguồn cung xăng dầu có bảo đảm cho thị trường?
Trên báo Quân đội Nhân dân có bài viết đáng chú ý “Những tháng cuối năm: Nguồn cung xăng dầu có bảo đảm cho thị trường?”. Theo bài báo, thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước thời gian qua có nhiều biến động. Nguồn cung trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết. Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Nguồn cung xăng dầu có bảo đảm cho thị trường? |
Trước tình hình trên, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu; đồng thời, ban hành quyết định về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Do đó, trong quý II/2022, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường nên cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước luôn được bảo đảm, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng trong hệ thống phân phối của thương nhân và tại thị trường nội địa.
Trong quý III, quý IV/2022, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước (gồm Nghi Sơn và Bình Sơn) trong 6 tháng cuối năm như sau: Quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).
“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi việc sản xuất, cung ứng xăng dầu của các đơn vị; trong trường hợp có sự thay đổi, biến động so với kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ có biện pháp phù hợp để luôn bảo đảm cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường”, bài báo nhận định.
Cùng về vấn đề giá xăng dầu trên báo Người lao động có bài "Chủ động kìm giá xăng dầu"; báo Tuổi trẻ có bài "Bán xăng dầu: Người lãi kỷ lục, kẻ 'lỗ kỹ thuật'"; Zing có bài "Tiết kiệm hơn nửa tỷ đồng/tháng nhờ giá xăng giảm"…
Thực tế thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Cùng với giá xăng dầu, việc phát triển năng lượng tái tạo cũng tiếp tục được quan tâm, Vnexpress có bài "Nhu cầu tái tạo năng lượng mở đường cho sản phẩm wellness"; VTV đưa tin "EC hỗ trợ Đức phát triển năng tái tạo"; cũng trên báo Quân đội Nhân dân có bài viết "Năng lượng tái tạo chờ giá"...
Bài báo phản ánh, mới đây, vấn đề lại nóng lên với việc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai có công văn kiến nghị gửi Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ nút thắt giá cho 629MW điện gió chưa được công nhận vận hành thương mại, chưa được đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia, dù dự án đã hoàn thành từ nhiều tháng trước. Nguyên nhân phần công suất này chưa được khai thác là do chưa có giá bán điện cho các dự án điện gió được hoàn thành sau ngày 31/10/2021.
Tuy nhiên, không chỉ có các dự án điện gió tại Gia Lai rơi vào tình trạng chờ giá, chờ cơ chế để rồi chưa được công nhận vận hành thương mại, chưa được đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia, mà đây là câu chuyện khá phổ biến trong vài năm qua trong phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta. Việc các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng xong nhưng không được mua điện, huy động khiến các chủ đầu tư như “ngồi trên đống lửa”.
"Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều tháng chờ đợi, chính sách phát triển tiếp theo cho điện gió và điện mặt trời vẫn chưa có", bài báo nêu.