Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 31/7: Ngày mai, giá xăng dầu sẽ có đợt giảm thứ 4 liên tiếp? Giá xăng dầu chiều 1/8: Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít |
Qua bài viết “Vì sao giá xăng chỉ giảm gần 500 đồng/lít?” báo Dân trí nêu nguyên do: Theo liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, trong các kỳ điều hành thời gian qua, cơ quan quản lý đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi 100-1.500 đồng/lít. Việc này khiến số dư Quỹ bình ổn hiện ở mức thấp, tại nhiều doanh nghiệp thậm chí còn âm.
Tại phiên điều chỉnh ngày 1/8, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã không chi, nhưng lại thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 800 đồng/lít, với xăng RON 95 ở mức 850 đồng/lít. Thực tế, giá xăng đã có thể giảm tới 1.300 đồng/lít nếu cơ quan quản lý không thực hiện trích lập hoặc tăng chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo cơ quan điều hành, hành động trên nhằm góp phần kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học và xăng khoáng để khuyến khích bảo vệ môi trường; hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Nêu vấn đề khác trong lĩnh vực xăng dầu, báo Dân việt đăng tải bài viết “Việt Nam phải nhập 5 triệu tấn xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì về các "ông lớn" Bình Sơn, Nghi Sơn?”.
Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 02 Nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong 6 tháng cuối năm là: Quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và Quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).
"Về cơ bản lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường", Bộ Công Thương thông tin.
Bộ Công Thương cho biết, hiện hai nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Thông tin về giá xăng dầu sau kỳ điều chỉnh ngày 1/8, báo Người lao động phản ánh “Giảm lần thứ 4 liên tiếp, giá xăng về mốc 24.000 đồng/lít”. Theo đó, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ cùng ngày. Cụ thể, xăng E5RON92 có giá bán không cao hơn 24.629 đồng/lít sau khi giảm 444 đồng/lít; Xăng RON95 giảm 462 đồng/lít, có giá 25.608 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel giảm 950 đồng/lít, có giá 23.908 đồng/lít; Dầu hỏa có giá 24.533 đồng/lít sau khi giảm 713 đồng/lít; Dầu mazut giữ nguyên so với hiện hành, với mức 16.548 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 800 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 850 đồng/lít, dầu diesel ở mức 450 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít và dầu mazut ở mức 787 đồng/kg.
Cùng với giá xăng dầu, diễn biến tình hình xuất khẩu tháng 7 và 7 tháng năm 2022 cũng thu hút sự quan tâm phản ánh của các cơ quan báo chí.
Báo Tiền phong phản ánh “Nông sản xuất khẩu tăng mạnh, xuất siêu gần 6,3 tỷ USD”. Cụ thể, sau 7 tháng liên tục tăng trưởng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản cả nước ước đạt khoảng 58,3 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu đạt khoảng 32,3 tỷ USD, nhập khẩu ước khoảng 26,0 tỷ USD; xuất siêu gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 8,7 tỷ USD, chiếm 26,8% thị phần. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc trên 5,7 tỷ USD; tiếp đến là Nhật Bản khoảng 2,3 tỷ USD và Hàn Quốc trên 1,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản của Việt Nam từ đầu năm đạt trên 26 tỷ USD, đưa giá trị xuất siêu của toàn ngành đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo Sài Gòn giải phóng cũng đưa ra thông tin “Xuất khẩu vào Hoa Kỳ và châu Âu tăng mạnh”. Tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ ước đạt 67,1 tỷ USD (tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2021) và châu Âu đạt 27,9 tỷ USD (tăng 22,6%). Đây là một nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những “bóng đen” về bão giá, đứt gãy chuỗi cung ứng, điều tra phòng vệ thương mại và nguy cơ bị giảm giá trị hàng hóa xuất khẩu vẫn là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh, cùng với việc thu hút mạnh đầu tư và tăng hoạt động xúc tiến giao thương nhằm mở rộng thị phần xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng và phòng ngừa nguy cơ bị các thị trường xuất khẩu điều tra, áp thuế phòng vệ thương mại. Kinh nghiệm đấu tranh thành công với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của Bộ Công thương và các hiệp hội doanh nghiệp vừa qua cho thấy, doanh nghiệp cần phải thiết lập ban pháp chế và củng cố hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu cũng như quá trình sản xuất hàng hóa. Từ đó, kịp thời cung cấp hồ sơ cho các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.