Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 27/7: Giá xăng quý cuối năm có thể về 24.000 đồng/lít
Theo đó, báo Dân trí cái bài “Bộ Công Thương dự báo giá xăng quý cuối năm có thể về 24.000 đồng/lít”. Cụ thể, theo Bộ Công Thương, sang quý IV năm nay, giá xăng dầu thế giới được dự báo hạ nhiệt về khu vực 110 - 115 USD/thùng. Điều này sẽ kéo mức tăng cao của giá xăng dầu trong nước giảm xuống, còn khoảng 24.000 đồng/lít với xăng và 20.000 đồng/lít với dầu. Mức giảm này đi theo xu hướng giá thế giới.
“Đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định những tháng tới, bình quân giá xăng thành phẩm thế giới vẫn sẽ có những biến động bất thường, dao động trong khoảng 145 - 155 USD/thùng, tức tăng 73 - 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong trường hợp nhà điều hành không trích lập vào Quỹ Bình ổn giá, cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng bán lẻ sẽ có giá bán dưới 31.700 đồng, còn dầu sẽ dưới 27.100 đồng”, bài báo nêu.
Liên quan vấn đề xăng dầu, báo Nhân dân đăng tải bài viết “Siết chặt quản lý kinh doanh xăng dầu”. Bài viết dẫn số liệu từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), sáu tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra hơn 1.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, xử lý gần 190 vụ, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 5,9 tỷ đồng.
Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp cố ý tác động vào cấu trúc kỹ thuật của các trụ bơm, làm thay đổi đặc tính đo lường, kỹ thuật để làm sai lệch kết quả đo. Có những trường hợp không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng dầu, bán xăng dầu ngoài hệ thống, kinh doanh khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực, thậm chí bán xăng dầu nhập lậu.
Tình trạng nhân viên bán hàng lợi dụng giờ cao điểm, quản lý lỏng lẻo để bơm chồng số, không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán hàng, cố ý che bảng thông tin cột bơm,… nhằm thu lợi bất chính. Đáng ngại nhất là tình trạng mua bán các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm dùng để pha chế xăng dầu trên thị trường khá dễ dàng là cơ hội để các đối tượng cố ý gian lận về xăng dầu lợi dụng.
“'Bắt bệnh' giá hàng hóa neo cao dù xăng dầu giảm mạnh”, báo VNBUSINESS phản ánh: Việc giá nhiều hàng hóa, dịch vụ chưa điều chỉnh theo giá xăng dầu được các doanh nghiệp lý giải là cần thêm thời gian để xem xét diễn biến của xăng dầu, chưa kể do đang phải sử dụng nguyên liệu đầu vào đắt nên chưa điều chỉnh ngay giá đầu ra...
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nhắc tới những khó khăn trong việc điều chỉnh giá cước như phải có văn bản giải trình tại sao điều chỉnh giá cước gửi tới cơ quan quản lý địa phương, tiến hành đăng kiểm đồng hồ kiểm định, phí đăng kiểm mỗi đồng hồ là 100 nghìn đồng/lần, bộ nhận diện niêm yết giá cước dán trên xe taxi rơi khoảng 30-45 nghìn đồng/bộ.
Trong khi đó, đại diện nhiều siêu thị cũng cho biết chưa nhận được đề nghị giảm giá bán hàng hóa, thực phẩm của nhà cung cấp. Theo đó, phía các siêu thị sẽ sớm đề nghị các nhà cung cấp giảm giá bán thực phẩm ở mức hợp lý, đặc biệt là sản phẩm chịu ảnh hưởng từ xăng dầu.
VTC News tiếp tục phản ánh ý kiến của các chuyên gia qua bài viết “Giá xăng dầu thất thường, quỹ bình ổn ‘hết phép’: Đến lúc bỏ?”. Cụ thể, chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh cho rằng Quỹ Bình ổn giá không còn phù hợp, nên cân nhắc việc tiếp tục duy trì hay để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Theo chuyên gia, cần thiết phải có nghiên cứu đánh giá lợi ích từ việc trích lập và thực hiện Quỹ Bình ổn giá trong suốt thời gian qua với nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, vai trò của Quỹ Bình ổn giá chỉ được thể hiện khi giá xăng dầu biến động ở phạm vi hẹp, trong thời gian ngắn. Nếu giá xăng dầu biến động mạnh, tăng giảm trong thời gian dài thì Quỹ Bình ổn gần như “hết phép”. “Tôi cho rằng có thể mạnh dạn bỏ Quỹ Bình ổn giá với xăng dầu vì đến thời điểm này, duy trì quỹ không còn phù hợp, tác dụng can thiệp đến thị trường là rất nhỏ, không đáng kể”, chuyên gia nói.