Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 21/9: Mức tăng trưởng của nhiều ngành hàng khá tốt
Trong đó, dệt may là một trong những ngành có mức tăng trưởng tốt, đang kỳ vọng có những bứt phá và đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 45 tỷ USD trong năm nay.
Báo Đấu thầu có bài: “Đến 15/9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 526 tỷ USD”. Theo bài báo, tính từ đầu năm đến ngày 15/9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 526,04 tỷ USD, tăng hơn 70 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Tính trong 15 ngày đầu tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 12,75 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/9, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,82% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 40 tỷ USD. Điện thoại và linh kiện tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 42,4 tỷ USD.
5 nhóm hàng khác đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên, gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ.
Bài báo đưa nhận định của Bộ Công Thương, tại thời điểm này, mức tăng trưởng của nhiều ngành hàng, trong đó có ngành dệt may khá tốt. Dệt may cũng là ngành đang kỳ vọng có những bứt phá và đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 45 tỷ USD trong năm nay.
Vấn đề này cũng được Thị trường Việt Nam dẫn tin: “Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 có thể vượt 700 tỷ USD”; Hải quan có bài: “Xuất nhập khẩu đạt 526 tỷ USD, tăng hơn 70 tỷ USD so với cùng kỳ”.
Diễn đàn báo chí hôm nay tiếp tục quan tâm đưa tin về vấn đề giá xăng, dầu. Báo Quân đội nhân dân đưa tin: "Giá xăng dầu hôm nay 21-9: Giá xăng dầu trong nước giảm"; VTC đưa tin: "Hôm nay, giá xăng dầu tiếp tục giảm"; 24h có bài: "Giá xăng dầu hôm nay 21/9: Giá xăng tại Việt Nam sẽ được điều chỉnh như thế nào chiều nay"?
Cùng với vấn đề giá xăng, dầu, diễn đàn báo chí hôm nay đề cập đến thị trường giá gạo. Báo Lao động có bài viết đáng quan tâm: "Mặt bằng mới cho thị trường lúa gạo toàn cầu".
Theo bài báo, sự kiện Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo được đánh giá là cơ hội để nhiều quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam, chung tay lập lại bình đẳng cho giá lúa gạo toàn cầu.
Việc Ấn Độ ban lệnh cấm xuất khẩu gạo là cơ hội để tạo ra mặt bằng mới trên thị trường thương mại gạo toàn cầu. Bị mất đi nguồn cung cấp truyền thống trong bối cảnh nhiều diện tích trồng lúa mỳ trên thế giới cũng bị mất mùa, giảm năng suất do ảnh hưởng nắng nóng kỷ lục đã khiến nhiều quốc gia nhập khẩu gạo chất lượng thấp và tấm của Ấn Độ chuyển hướng tìm nhà cung cấp mới để bù đắp vào.
Bài báo đưa ý kiến của ThS. Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp: Việt Nam nên tận dụng cơ hội này, cùng với Thái Lan (hai cường quốc xuất khẩu gạo) hợp tác, triển khai nhanh cách điều chỉnh giá xuất khẩu gạo hợp lý nhằm cải thiện đời sống của người trồng lúa 2 nước. Trong đó, bên cạnh việc sử dụng cơ chế định giá trên thị trường toàn cầu, Việt Nam cần tạo điều kiện để tiến tới nền nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất hiện đại theo chuyển đổi số và kết nối thông minh với khách hàng như cách mà Tập đoàn Lộc Trời đang thực hiện thành công tại thị trường châu Âu.