Thứ bảy 23/11/2024 07:10

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 12/6: Nâng cao ý thức sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả

Chủ đề xằng dầu, xuất nhập khẩu… là các nội dung nổi bật dưới góc nhìn báo chí trong ngày hôm nay 12/6.

Xăng dầu là chủ đề “nóng” được báo chí quan tâm trong ngày hôm nay. Báo Giáo dục thời đại đưa tin: “Ngày mai, dự kiến giá xăng tăng lên mức chưa từng có”. Theo báo nêu, giá xăng ngày 13/6 trong nước dự kiến tiếp tục tăng theo đà tăng thế giới, nhiều doanh nghiệp dự kiến có thể tăng 500-900 đồng/lít.

Cụ thể, dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 9/6 tăng so với kỳ điều hành trước ở mức 148,6 USD/thùng đối với xăng RON 92, xăng RON 95 là 154,1 USD/thùng. Đáng chú ý, dầu diesel ngày 6/6 tăng vọt lên 170,6 USD/thùng.

Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước ở mức 144 USD/thùng xăng RON 92; 151,9 USD/thùng xăng RON 95.

Một lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối cho biết tính đến 11/6, giá xăng, dầu thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore hiện cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 500-870 đồng/lít, còn dầu diesel, dầu hỏa khoảng 2.900-3.100 đồng/lít.

Do đó, kỳ điều hành ngày 13/6, giá xăng có thể tăng khoảng 500-900 đồng/lít, trong đó xăng E5 RON 92 tăng nhiều hơn; còn dầu diesel tăng rất mạnh khoảng gần 3.000 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý xả quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng ít hơn, khoảng 400-700 đồng/lít. Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 6 liên tiếp.

Trước những dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng cao, Báo đầu tư đã có bài: “Nên tính đến phương án trợ giá xăng dầu”. Theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, nếu việc giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu mà giá bán lẻ mặt hàng này vẫn tiếp tục tăng, thì nên xem xét trợ giá xăng dầu cho người dân.

Và một trong những giải pháp được PGS-TS Lạng chỉ ra, có 3 cách tiếp cận để giảm giá bán lẻ xăng dầu. Trong trường hợp giảm thuế nhập khẩu và tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường mà giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng, trong khi chưa thể giảm ngay được thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, thì có thể kết hợp với việc trợ giá xăng dầu cho người dân như nhiều nước đã thực hiện.

Việc hỗ trợ người dân cũng không phải là quá mới mẻ đối với Việt Nam, nên có thể thực hiện được. Chẳng hạn, năm 2020 và năm 2021, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người dân gặp khó khăn (bị mất việc, nghỉ việc luân phiên, giảm thu nhập...) do đại dịch Covid-19. Hiện tại, thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đang tích cực giải ngân gói tài khóa trị giá 6.600 tỷ đồng nhằm hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Việc hỗ trợ trực tiếp giúp người dân giảm được phần nào chi phí xăng dầu, nhưng quan trọng hơn là thể hiện được sự quan tâm, hỗ trợ người dân của Chính phủ lúc giá cả tăng cao.

Bên cạnh đó, về giải pháp lâu dài, theo vị này, cần phải tập trung tuyên truyền về việc sử dụng tiết kiệm xăng dầu nói riêng, năng lượng nói chung. Đây là giải pháp tình thế cũng như lâu dài, thực hiện kiên trì, bền bỉ, nhằm nâng cao ý thức sử dụng năng lượng của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Đồng thời, nên chuẩn bị sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết giá năng lượng theo mục đích và giai đoạn nhất định.

Ngoài lĩnh vực xăng dầu, xuất nhập khẩu cũng nổi lên với nhiều vấn đề cần quan tâm. Báo đầu tư có bài: “FTA tạo động lực mới cho xuất khẩu”. Bài báo nêu, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương) đánh giá, RCEP đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp thủy sản tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất trong khu vực; giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường thành viên nhờ việc nới lỏng bộ quy tắc xuất xứ, giúp tăng khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan cho hàng hóa.

Tương tự, bà Nguyễn Thu Hường, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia thông tin, nhờ lợi ích từ RCEP, 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia đạt 128,1 triệu USD, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Báo cáo Sản xuất công nghiệp và thương mại 5 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm đạt 152,96 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, cả khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đều ghi nhận sự tăng trưởng.

Bộ Công thương đánh giá, các FTA đang thực thi, đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ tạo bước đột phá về thương mại, mang về thặng dư thương mại lớn trong năm 2022, tạo đà tăng trưởng cho các giai đoạn tiếp theo.

Dự báo, trong những tháng tiếp theo, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài, các FTA được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn sẽ tạo động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Cùng chủ đề, Hà Nội mới cũng có bài: “Hiệp định RCEP mở lối cho hàng Việt xuất khẩu”. Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước thành viên RCEP chiếm trên 63% thị phần, đặc biệt là các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Cùng với thủy sản, hạt điều, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, hàng dệt may, giày dép, ô tô, viễn thông… cũng tăng cơ hội xuất khẩu nhờ RCEP.

Dù vậy, theo các chuyên gia, việc thực thi RCEP làm gia tăng sức ép cạnh tranh do các nền kinh tế trong khối có nhiều điểm tương đồng. Trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam còn khiêm tốn, giá thành cao, chưa được nhận diện tốt về thương hiệu… Do vậy, việc hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường là đòi hỏi bức thiết để xuất khẩu bền vững vào thị trường khối RCEP.

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai cho rằng, việc phổ biến, cập nhật thông tin về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, nắm bắt thông tin thị trường cần được đẩy mạnh.

Còn đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore Cao Xuân Thắng khuyến cáo, để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thực phẩm vào thị trường RCEP, doanh nghiệp nên xác định danh mục thực phẩm phù hợp; thực hiện thủ tục cấp phép, đăng ký, tuân thủ các quy định liên quan đến thực phẩm, nhãn mác; đặt lịch kiểm định chất lượng…

Đỗ Nga
Bài viết cùng chủ đề: Giá xăng dầu hôm nay

Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Nhà giáo trong kỷ nguyên số cần biến thách thức thành cơ hội để ngành giáo dục vươn mình

Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm truyền thống 50 năm

Gia Lai: Hỗ trợ cô giáo nghèo vượt qua gia cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống

Tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế: Trợ lực 'tiếp sức' cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế

Bí quyết ‘cơ động’ của thầy Cường ‘động cơ’

Bộ Công Thương ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 9 (bão Man-yi)

Từ thông điệp chống lãng phí của Tổng Bí thư suy ngẫm về việc xử lý thành công các dự án tồn đọng

Tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh thực sự hay áp lực hình thức?

Khu thương mại tự do Đà Nẵng: Đâu là lời giải cho "bài toán" thu hút đầu tư?

TP. Hồ Chí Minh: Tiệm mì 0 đồng lan tỏa yêu thương của những chàng trai Hóc Môn

Trách nhiệm thi hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Giải ngân vốn đầu tư công bứt tốc cuối năm để về đích

Bộ Công Thương ban hành Thông tư về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu đầu mối quản lý về công nghiệp thực phẩm

Bộ Công Thương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học

Cấm phân lô, bán nền có kiểm soát được thị trường bất động sản?

Bộ Công Thương làm việc với Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu về phát triển nhiên liệu sinh học

Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Hải Dương

Đề xuất người bị sa thải không được trợ cấp thất nghiệp: Công nhân lớn tuổi thêm nỗi lo