Công khai danh sách cổ đông có thực sự chống sở hữu chéo ngân hàng?
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 đã có nhiều “chốt chặn” để ngăn sở hữu chéo và tình trạng thao túng ngân hàng.
Theo đó, quy định nổi bật của Luật là ngân hàng cổ phần phải công khai thông tin cá nhân, tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên; tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó và người có liên quan. Đồng thời, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông tổ chức giảm từ 15% xuống 10% vốn điều lệ, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15% vốn điều lệ.
Luật cũng quy định rõ những trường hợp sở hữu cổ phần vượt mức theo quy định mới (tức tỷ lệ sở hữu trước ngày 1/7) vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Đồng thời, tại Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), khái niệm “người có liên quan” đã được mở rộng đến cả đối tượng là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ.
Trước đó, cổ đông sẽ chỉ phải công bố thông tin về các giao dịch, sở hữu, người liên quan khi nắm từ 5% vốn ngân hàng trở lên (cổ đông lớn).
Theo thống kê của Báo Công Thương, đến thời điểm hiện tại nhiều ngân hàng công bố danh sách các cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Hoạt động “siết” tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước quy định từ cách đây 8 năm |
Mới đây nhất, 2 “ông lớn” trong nhóm Big4 là VietinBank và Vietcombank công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn. Cụ thể, tại VietinBank, ngoại trừ Ngân hàng Nhà nước nắm giữ hơn 64,46% vốn thì ngân hàng này có 3 cổ đông đang sở hữu tổng cộng gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 21,95% vốn điều lệ.
Đó là, MUFG Bank đang nắm giữ hơn 1 tỷ cổ phiếu VietinBank, tương ứng 19,73% vốn điều lệ ngân hàng. Thứ hai là, Công đoàn VietinBank nắm giữ 61,6 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 1,15% vốn điều lệ. Thứ ba là, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam sở hữu 57,6 triệu cổ phiếu VietinBank, tương ứng 1,07% vốn điều lệ. Người liên quan của Prudential cũng sở hữu gần 3 triệu cổ phiếu VietinBank, chiếm khoảng 0,05% vốn ngân hàng.
Trong khi đó, tại Vietcombank, cơ cấu cổ đông của nhà băng này gồm: Ngân hàng Nhà nước đang sở hữu 74,8% vốn điều lệ, tương ứng hơn 2,77 tỷ cổ phiếu Vietcombank và cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. LTD đang nắm giữ 556 triệu cổ phiếu Vietcombank, tương đương 15% vốn của ngân hàng này.
Còn lại chỉ có một tổ chức nắm giữ trên 1% vốn tại Vietcombank là Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) với số cổ phần sở hữu là hơn 93,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 1,67% vốn điều lệ.
Tại các ngân hàng thương mại cổ phần tỷ lệ sở hữu cổ phần có tính cô đặc, khi chỉ một nhóm cổ đông nhỏ đã nắm giữ tỷ lệ sở hữu khá lớn tại các nhà băng.
Đơn cử như tại OCB, 20 cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ trở lên đã sở hữu đến 80,6% vốn ngân hàng, tương ứng với số cổ phần sở hữu là 1,66 tỷ cổ phần; gồm 13 cổ đông tổ chức nắm gần 55,8% vốn và bảy cổ đông cá nhân nắm 24,8% vốn còn lại, riêng Chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng này và người có liên quan sở hữu hơn 19,9% vốn.
Hay như tại VPBank, con số này là 17 cổ đông nắm hơn 64,2% vốn; trong đó bốn cổ đông tổ chức sở hữu 23,4% và 13 cổ đông cá nhân giữ hơn 40,8%. Chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng này và người có liên quan nắm hơn 33,6% vốn.
Khó xử lý hoàn toàn tình trạng sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng |
Tại BVBank, có 9 cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Đáng chú ý, các lãnh đạo của BVBank gồm hội đồng quản trị, ban điều hành đang nắm tổng cộng khoảng 17,8% vốn ngân hàng. Tính cả người liên quan, các lãnh đạo của nhà băng này sở hữu gần 20% vốn tại nhà băng.
Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ cổ đông nắm giữ từ 1% vốn trở lên tại Techcombank có 13 cổ đông, trong đó có 6 cá nhân và 7 tổ chức nắm giữ 1,84 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 52,265% ngân hàng.
Ngoại trừ Commonwealth Bank (CBA) nắm giữ hơn 503 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 19,84% tại VIB, thì 17 cổ đông gồm 13 cá nhân và 4 doanh nghiệp trong nước, sở hữu tổng cộng 53% vốn điều lệ VIB. Tổng 18 cổ đông này nắm hơn 70% vốn của VIB.
Mặc dù không có cá nhân nào nắm giữ từ 1% vốn trở lên, song MB lại có 6 tổ chức sở hữu 47,2% vốn. Lớn nhất là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nắm 19%; kế tiếp là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm 9,8%. Hai tổ chức sở hữu lớn kế tiếp cũng đều là doanh nghiệp nhà nước gồm Tổng công ty Trực thăng Việt Nam nắm 8,4% và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn nắm 7,1%. Hai cổ đông tổ chức còn lại là quỹ đầu tư Pyn Elite sở hữu 1,6% và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam sở hữu 1,2%.
Thống kê cũng cho thấy, có tới 13 ngân hàng đang có cổ đông lớn sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ là: ABBank, Vietcombank, HDBank, MB, OCB, PGBank, SaigonBank, Techcombank, VietABank, VietinBank, BaoVietBank, PVCombank.
Tuy nhiên, theo quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 không áp dụng hồi tố đối với những trường hợp sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 10% trước khi luật này có hiệu lực.
Do đó, lại làm gia tăng động cơ nắm giữ cổ phần hiện hữu và buộc các cổ đông lớn này phải suy tính cẩn trọng hơn khi tiến hành chuyển nhượng cổ phần. Bởi lẽ, đây là tiến trình không thể đảo ngược, một khi đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần thì không thể quay về trạng thái sở hữu như hiện nay được nữa.
Theo các chuyên gia tài chính, việc các ngân hàng phải cung cấp thông tin nhà đầu tư sở hữu trên 1% cổ phần sẽ minh bạch hơn trong các vấn đề liên quan đến cổ đông nhỏ lẫn cổ đông lớn. Đây là một trong những giải pháp nhằm hạn chế hoạt động các nhóm thâu tóm ngân hàng, kiểm soát được tốt hơn tính liên quan sở hữu cổ phần, góp phần giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - cho biết, hoạt động “siết” tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước quy định từ cách đây 8 năm, nhưng kết quả thực hiện chưa được như mong đợi. Giới hạn tỷ lệ sở hữu ngân hàng là biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn hành vi thao túng, để tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh. Hành vi thao túng ngân hàng thường xảy ra tại ngân hàng yếu kém, tức chủ ngân hàng dù sở hữu tỷ lệ chính thức đúng theo luật pháp, nhưng trên thực tế lại nắm cả ngân hàng và đưa ngân hàng đó trở thành “sân sau”, tài trợ vốn cho những mục đích khác.
Đưa ra quan điểm về vấn đề sở hữu tại ngân hàng, PGS, TS Nguyễn Hữu Huân - Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và công khai danh sách cổ đông là biện pháp ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, nhưng việc này chưa có tác động nhiều nếu cố tình lách sở hữu chéo. Nếu một tổ chức chia nhỏ sở hữu cho nhiều cá nhân, tổ chức đứng tên cũng thỏa điều kiện.
Để bảo đảm hiệu quả trong thực thi quy định về cổ phần ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị, Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, trong đó có tăng cường trao đổi, phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành, nhất là công tác điều tra của công an nhằm kịp thời phát hiện những hành vi cố tình lách luật.
Mặt khác, theo ông Hiếu, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến biện pháp xử phạt mạnh tay nếu phát hiện ngân hàng tiếp tay cho các cổ đông gian lận tỷ lệ sở hữu cổ phần.
Đồng quan điểm, một vị luật sư cho rằng, cần phải thay đổi những quy định xử lý vi phạm như: xử phạt thật nặng về hành chính lẫn hình sự, không loại trừ việc tịch thu số cổ phần vượt quá giới hạn.