Công đoàn Công Thương Việt Nam lấy ý kiến hướng dẫn đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động công đoàn
Thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Hướng dẫn đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cấp cơ sở.
Các đại biểu tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo (Ảnh: T.T) |
Điều kiện tham gia đánh giá xếp loại, đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khi thành lập mới phải có thời gian hoạt động đủ 12 tháng trở lên; khi thực hiện chia tách, sáp nhập, hợp nhất phải có thời gian hoạt động đủ 6 tháng trở lên. Công đoàn cấp cơ sở khi thành lập mới phải có thời gian hoạt động đủ 9 tháng trở lên; khi thực hiện chia tách, sáp nhập, hợp nhất phải có thời gian hoạt động đủ 6 tháng trở lên.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mục tiêu của hướng dẫn này nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế yếu kém trong chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cấp cơ sở; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh trong tình hình mới.
Việc tổ chức đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động công đoàn hàng năm phải đảm bảo đúng nguyên tắc, nội dung, quy trình, các bước, đúng loại hình tổ chức và thực hiện vào dịp tổng kết năm công tác công đoàn. Đánh giá, xếp loại tổ chức công đoàn làm cơ sở bình xét thi đua, khen thưởng tổ chức công đoàn hàng năm.
Hướng dẫn lần này gồm một số nội dung chính, như: Tiêu chí chấm điểm; xác định điểm tối đa cho từng tiêu chí; tiêu chí xếp loại…
Ông Phan Văn Bản – Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam – cho biết: Việc lấy ý kiến một số nội dung dự thảo hướng dẫn đánh giá, xếp loại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cấp cơ sở nhằm phân tích những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện dự thảo; phát huy quyền dân chủ của các cấp công đoàn để xây dựng những văn bản đúng với chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; quan trọng nhất là phù hợp với thực tiễn hoạt động, để khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành văn bản sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn, tháo gỡ được vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện cho các cấp công đoàn hoạt động và làm việc hiệu quả nhất…
Từ thực tiễn hoạt động những năm qua, đối với tiêu chí chấm điểm, ông Đỗ Đình Trường - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP nêu ý kiến đồng ý với phương án 1 là thiết kế riêng cho từng cấp công đoàn; trong đó mỗi cấp có 3 nhóm tiêu chí chấm điểm. Việc xác định điểm tối đa cho từng tiêu chí là cần thiết, để công đoàn dễ dàng hơn trong việc thực hiện; đồng thời đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp thu các ý kiến để sửa đổi trên cơ sở cụ thể, ngắn gọn và dễ làm.
Đến từ Công ty TNHH Hitachi Astemo Hà Nội, bà Cao Thị Tính – Chủ tịch Công đoàn công ty cũng đồng ý với phương án 1 về tiêu chí chấm điểm. Lý do bà Tính nêu ra là mỗi cấp công đoàn có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Với công đoàn cấp trên chủ yếu là hướng dẫn và chỉ đạo công đoàn cơ sở triển khai hoạt động. Trong khi đó công đoàn cơ sở tập trung đi vào triển khai cụ thể hóa các hoạt động theo hướng dẫn của công đoàn cấp trên.
Chủ tịch Công ty TNHH Hitachi Astemo Hà Nội cũng đồng ý với việc phải xây dựng điểm tối đa cho từng tiêu chí để làm căn cứ chấm điểm cho chính xác, tuy nhiên về tiêu chí xếp loại thi đua khen thưởng, bà Tính cho rằng, tiêu chí “Hoàn thành tốt nhiệm’’ áp dụng đối với đơn vị 100% đoàn viên phải đạt thi đua xuất sắc không phù hợp.
Các ý kiến tham gia hội thảo cơ bản đồng ý với phương án 1 về tiêu chí chấm điểm, đó là tiêu chí cần thiết kế riêng cho từng cấp công đoàn, để phù hợp với quy định cũng như thực tiễn của các cấp công đoàn. Ngoài ra có một số ý kiến đan xen giữa phương án 1 và phương án 2 (thiết kế chung cho cả 2 cấp công đoàn và gồm 4 nhóm tiêu chí chấm điểm) nhưng đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có hướng dẫn làm sao cho phù hợp, cụ thể hơn trong giai đoạn hiện nay.
Đáng chú ý, có ý kiến nêu ra một số vấn đề cần phải sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn, từng khối công việc đặc thù để dễ làm, như nội dung chuyển đổi số toàn diện trong hệ thống công đoàn; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công; phần mềm quản lý đoàn viên; một số tiêu chí không hoàn thành công việc cần điều chỉnh câu từ cho phù hợp…
Phát biểu kết thúc hội nghị, bà Lê Thị Đức - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự tập trung nghiên cứu, tham gia ý kiến có trách nhiệm của các đại biểu; đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến góp ý dự thảo để gửi về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.