Ngày 6/12, tại Hà Nội, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả công tác năm 2024 và định hướng kế hoạch năm 2025.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu tại chương trình - Ảnh: Trần Minh |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, năm 2012, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Sau hơn 12 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành tại Việt Nam có giảm nhưng khá chậm, với tỷ lệ chung ở hai giới là 20,8%. Tỷ lệ hiện hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành là 41,1% (năm 2021) thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới.
"Hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật. Ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng)", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nhắc lại việc Quốc hội đã thống nhất thông qua quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cùng các loại khí và chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người, bắt đầu thực hiện từ năm 2025.
"Quyết định này không chỉ nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng mà còn góp phần duy trì trật tự, an toàn xã hội. Quốc hội cũng giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện các quy định cụ thể, đồng thời yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt đối với thanh thiếu niên, về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, và các chất gây hại khác", ông nói.
Để đạt được kết quả này, Bộ Y tế đánh giá cao sự đồng hành và tham gia tích cực của các Bộ, ban ngành, đoàn thể, cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan thông tấn báo chí từ trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng. Đây là một thành tựu đáng tự hào, thể hiện sự chung tay của cả xã hội trong hành trình kiểm soát các sản phẩm thuốc lá, hướng tới bảo vệ sức khỏe toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - tương lai của đất nước.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Dương Tú Anh - Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho hay, nhằm theo dõi, đánh giá tình trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới và CDC Hoa Kỳ đã triển khai điều tra tình trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên toàn cầu (GATS). Việt Nam đã thực hiện 2 vòng GATS (2010, 2015).
Nghiên cứu được tổng hợp số liệu từ 32 tỉnh, thành phố đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội. Năm 2024 đã có 28 tỉnh, thành phố hoàn thành phân tích số liệu định lượng. Trong đó, Cần Thơ cao nhất với tỷ lệ 28,1% người trưởng thành sử dụng thuốc lá. Thấp nhất là tỉnh Nghệ An với 10,6 %, Hà Nội là 15,6%.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 28 tỉnh, thành năm 2024 - Ảnh: Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá |
Theo nghiên cứu này, hầu hết tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành đã giảm so với nghiên cứu trước đó. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, đại diện Bộ Y tế cho rằng thuốc lá được bán ở khắp mọi nơi. Khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng. Giá thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giảm tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá.
Định hướng kế hoạch hoạt động trong năm 2025, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ hướng đến mục tiêu tăng cường hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên phạm vi toàn quốc.
Cụ thể là tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các sản phẩm thuốc lá mới khác và các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá. Tiếp tục nâng cao năng lực về phòng, chống tác hại thuốc lá, tổ chức thực hiện môi trường không khói thuốc, tư vấn cai nghiện thuốc lá, giảng dạy về phòng chống tác hại thuốc lá, chuyển đổi ngành nghề cho người trồng cây thuốc lá, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực thi Luật phòng, chống tác hại thuốc lá. Tiếp tục thực hiện các nghiên cứu, đánh giá để đưa ra bằng chứng phục vụ công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.
Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đặt mục tiêu tham vọng khi tăng 10% tỷ lệ người bỏ thuốc lá thành công so với năm 2024. Tiếp tục xây dựng mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng, hỗ trợ tư vấn tại 9 bệnh viện và mở rộng thí điểm tại 3 trung tâm y tế tuyến huyện. Đào tạo 1.000 nông dân tại các tỉnh trồng thuốc lá, giúp họ tiếp cận mô hình kinh tế mới, giảm phụ thuộc vào cây thuốc lá.