Công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019
Triển vọng tích cực
Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 là một sản phẩm hợp tác giữa Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương và Cục năng lượng thuộc Bộ Năng lượng, hạ tầng kỹ thuật và khí hậu Đan Mạch, cung cấp nền tảng trên cở sở kịch bản hóa để hỗ trợ các quyết định chính sách bằng cách làm rõ triển vọng phát triển hệ thống năng lượng đến năm 2050 dựa trên mô hình hệ thống năng lượng được tư liệu hóa đầy đủ và chi tiết. Báo cáo mô tả các kịch bản cho ngành năng lượng Việt Nam nhằm đạt được một số lộ trình phát triển bền vững và có chi phí thấp nhất, giảm phát thải CO2 so với các mục tiêu mà chính phủ Việt Nam đã cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, Báo cáo Triển vọng Năng lượng 2019 đã trình bày các kết quả nghiên cứu về các kịch bản phát triển điện và năng lượng và các khuyến nghị chính sách đối với các vấn đề trọng tâm liên quan đến sự phát triển của hệ thống điện, hệ thống năng lượng Việt Nam trong dài hạn, cung cấp một số thông tin đầu vào phục vụ cho việc xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện 8 cũng như Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Báo cáo được xây dựng với nguồn số liệu có chất lượng tốt, sử dụng các mô hình cấp cao để tính toán các kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung, cung cấp các thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng bền vững gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng.
Báo cáo chỉ ra rằng, việc sớm dừng đầu tư vào những nhà máy nhiệt điện than mới có thể giúp Việt Nam tránh được hiệu ứng “mắc kẹt” với nhiệt điện than và phụ thuộc vào than nhập khẩu trong dài hạn. Báo cá đã khảo sát một kịch bản không đầu tư vào nhiệt điện than mới sau năm 2025. Kịch bản này chứng minh rằng có thể giảm 42 triệu tấn than trong tổng tiêu thụ than vào năm 2030. Nếu dừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than mới, tổng tiêu thụ than của Việt Nam có thể giảm 221 triệu tấn vào 2050.
Đối với việc phụ thuộc nhập khẩu nguồn nguyên liệu, Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 cho thấy, sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu trong tương lai có thể giảm từ 60% xuống 51% vào năm 2030 và từ 71% xuống 58% vào năm 2050, nếu đồng thời phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng khí tự nhiên (LNG) và các biện pháp tiết kiệm năng lượng nhằm thay thế hầu hết các nhà máy nhiệt điện than.
Cũng theo Báo cáo này, lợi nhuận thu được từ việc thực hiện tiết kiệm năng lượng vượt xa chi phí đầu tư cho tiết kiệm năng lượng. Ví dụ, vào năm 2030, nếu đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng sẽ khiến Việt Nam phải bỏ thêm 7 tỷ USD thì số tiền lãi thu được sau khi trừ vốn đầu tư gốc sẽ là 3 tỷ USD. Hơn nữa, tiết kiệm năng lượng sẽ đóng góp giảm đáng kể phát thải CO2 như: áp dụng thành công các công nghệ tiết kiệm năng lượng có thể giúp giảm phát thải CO2 ở mức 83 triệu tấn vào năm 2030 và 237 triệu tấn vào năm 2050, chủ yếu trong các ngành: điện, công nghiệp và GTVT. Tuy nhiên, để có được như vậy, cần đặt ưu tiên cao cho những biện pháp tiết kiệm năng lượng trong Quy hoạch Điện 8 và phải tập trung vào việc loại bỏ những rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho các đầu tư lớn vào công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Cam kết hỗ trợ từ Đan Mạch
Theo Quốc vụ khanh Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch, ông Morten Bæk, cách đây 25 năm, than được coi là “ông vua” trong ngành năng lượng nhưng ngày nay, năng lượng gió và mặt trời lại là nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) rẻ nhất thế giới, rẻ hơn than mà không cần có trợ cấp. Hơn nữa, NLTT có thể tạo ra được việc làm, tăng mức độ tự chủ, độc lập về năng lượng. Việt Nam đã có những tiến bộ ấn tượng từ khi bắt đầu mối quan hệ hợp tác với Đan Mạch trong lĩnh vực này cách đây 25 năm. Tuy nhiên, hiện Việt Nam cần giải quyết vấn đề tiêu thụ năng lượng tăng cao, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Việt Nam và Đan Mạch cùng có điểm tương đồng là có nguồn NLTT dồi dào, thậm chí Việt Nam có nhiều bức xạ mặt trời hơn so với Đan Mạch và có nguồn năng lượng gió đáng kể. Nhưng thách thức đặt ra đối với Việt Nam là làm sao sử dụng năng lượng xanh này một cách hiệu quả.
Theo đó ông Morten Bæk cho rằng, Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 là công cụ tiềm năng để giúp xây dựng hệ thống năng lượng rẻ và xanh hơn ở Việt Nam. Báo cáo đồng thời đưa ra những phát hiện cũng như khuyến nghị có cơ sở vững chắc cho phép các nhà hoạch định có thể giải quyết những vấn đề một cách thông minh. Ngoài ra báo cáo cũng cho thấy, Việt Nam có thể tự quyết định được các vấn đề về NLTT mà không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, quá trình tăng trưởng xanh có thể tác, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng. “Đan Mạch cam kết và hoàn toàn hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống năng lượng xanh hơn, rẻ hơn và triển khai được những khuyến nghị của Báo cáo năng lượng Việt Nam 2019. Điều này sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng, giảm mức độ phụ thuộc vào năng lượng cũng như giải quyết được vấn đề về phát thải khí nhà kính cũng như ô nhiễm không khí” – Ngài Quốc vụ khanh nhấn mạnh.
Từ năm 2013, Chính phủ Đan Mạch và Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác dài hạn trong lĩnh vực năng lượng. Các dự án, chương trình hợp tác với Đan Mạch trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của Việt Nam về đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững. |