Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN - lý giải, theo quy luật thời tiết hàng năm thì tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C; khu vực miền Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30 độ C, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.
Lượng điện tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4 tăng cao so với tháng 3/2019 |
Theo dõi số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại 2 thành phố lớn cho thấy: Tại địa bàn TP. Hà Nội mức tiêu thụ tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày cuối tháng 3 lên đến gần 58kWh/ngày đầu tháng 4/2019 và đạt mức cao nhất đến thời điểm này là 63,4 triệu kWh (ngày 20/4), điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4 tăng 16,17% so với tháng 3; tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4 tăng 15,53% so với tháng 3.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện từ ngày 20/3/2019 với mức tăng bình quân là 8,36%, cũng làm tăng giá điện. Một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày). Như vậy số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước.
Để minh bạch giá điện và thuận tiện cho khách hàng, EVN đã xây dựng và công khai công cụ tính giá tiền tự động để khách hàng dễ dàng tính toán số tiền phải trả dựa trên sản lượng tiêu thụ. Đồng thời, EVN cũng chỉ đạo các đơn vị giải đáp, xác minh, xử lý mọi yêu cầu, ý kiến, thắc mắc của khách hàng phản ánh trong vòng 24 giờ; tổ chức phúc tra 100% trường hợp khách hàng có lượng điện tiêu thụ tăng đột biến từ 1,5 lần trở lên so với tháng liền kề trước đó. EVN cũng đẩy mạnh truyền thông rộng rãi nhằm giúp khách hàng hiểu về hoạt động ghi chỉ số và phát hành hóa đơn tiền điện của EVN, khuyến cáo khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Theo nhiều chuyên gia, điện là loại hàng hóa đặc thù, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, dù chủ trương của Chính phủ, giá điện phải tính đúng, đủ theo cơ chế thị trường song vẫn có sự điều tiết của nhà nước nhằm đảm bảo lợi ích tổng thể của cả nền kinh tế -xã hội.
Theo PGS-TS. Bùi Xuân Hồi (Trường Đại học Bách Khoa), dù không ai muốn giá điện tăng nhưng cần khách quan, công bằng khi đánh giá. Thực tế cho thấy, trên cơ sở nhiên liệu đầu vào theo giá thị trường quốc tế thì giá điện của Việt Nam đang thấp hơn nhiều quốc gia; Chính phủ cũng đã xây dựng khung khổ pháp lý toàn diện cho quá trình đầu tư, sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh, dịch vụ điện. Điển hình là cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong từng giai đoạn cụ thể; xây dựng biểu giá điện sinh hoạt bậc thang 6 mức...
Việc điều chỉnh tăng giá cũng đã được Bộ Công Thương phối hợp với nhiều bộ, ngành liên quan tính toán tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và nhiều chỉ tiêu khác của nền kinh tế. Theo PGS-TS. Bùi Xuân Hồi, biểu giá điện đạt được 2 mục đích là đảm bảo chính sách an sinh xã hội và khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện. Mức tăng bình quân 8,36% sẽ phụ thuộc vào việc tiêu dùng điện nhiều hay ít. Đặc biệt đã có công thức tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch nên những thông tin như "giá điện tăng khủng"... là hoàn toàn không có cơ sở thực tế.
PGS -TS. Bùi Xuân Hồi - Trường Đại học Bách Khoa: Tôi tin rằng, bản thân ngành điện rất tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia để có góc nhìn đa chiều, tích cực, nhằm hoàn thiện hơn biểu giá bán lẻ điện hài hòa lợi ích cung ứng và tiêu dùng cũng như lợi ích tổng thể. |