Công an TP. Hồ Chí Minh nói gì về hoạt động mua bán nợ, tín dụng đen?
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh - khuyên cáo như vậy, tại cuộc họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh chiều tối ngày 29/6.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP. Hồ Chí Minh, trả lời cầu hỏi của phóng viên liên quan đến hoạt động mua bán nợ, tín dụng đen, tại họp báo chiều tối ngày 29/6/2023 |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về hoạt động mua bán nợ có đúng pháp luật không? Việc đối tượng hoạt động tín dụng đen lợi dụng hoạt động “mua bán nợ”?
Thượng tá Lê Mạnh Hà - cho biết: Hoạt động “mua bán nợ” được quy định tại Thông tư 09/2015/NHNN ngày 17/7/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, được sửa đổi tại Thông tư 18/2022/TT-NHNN ngày 26/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước; Và Điều 450 - Bộ Luật dân sự quy định về Mua bán quyền tài sản, trong đó tại khoản 2- Điều 450 có quy định về trường họp quyền tài sản là quyền đòi nợ.
Như vậy, hoạt động mua bán nợ được pháp luật quy định, các hoạt động đảm bảo theo quy định của pháp luật thì không vi phạm. Tuy nhiên, các trường hợp “lợi dụng hoạt động mua bán nợ” để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác thì tuy theo hành vi, tính chất mức độ sẽ bị xử lý hình sự hoặc hành chính về hành vi: Cưỡng đoạt tài sản; cho vay lãi nặng.
Đối với câu hỏi của phóng viên: Công an Thành phố có giải pháp và khuyến cáo gì với tội phạm hoạt động túi dụng đen? Thượng tá Lê Mạnh Hà - khẳng định: Đấu tranh với tội phạm hoạt động tín dụng đen được Bộ Công anvà Công an TP. Hồ Chí Minh quan tâm, tổ chức triển khai thành chuyên đề để theo dõi, tăng cường nắm tình hình và tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp, xử lý vi phạm.
Một trong những giải pháp căn cơ, có tính lâu dài hiện nay ngoài công tác đấu tranh, xử lý, lực lượng Công an đang tham mưu, tố chức thực hiện như: Tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả đề án 06 của Chính phủ về “ứng dụng định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Trong đó các tổ chức tín dụng có thể khai thác thông tin của đề án 06 để rút ngắn thời gian thẩm tra, đánh giá mức độ tín nhiệm, thu nhập, trả nợ nhằm triển khai cho vay tín chấp nhanh chóng, thuận lợi tạo điều kiện cho người dân được vay vốn từ các tổ chức tín dụng giải quyết khó khăn.
Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP. Hồ Chí Minh - khuyến cáo: Người dân không vay tiền của các đối tượng- đối tượng cho vay tín dụng đen thường quảng cáo qua tờ rơi, quảng cáo vay qua App trên mạng Intenet... nên vay của các tổ chức tín dụng, hoặc các quỹ, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước tại địa phương.
Ngoài ra, người dân cần tích cực nghiên cứu nắm vững quy định của pháp luật để không vi phạm, cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của tội phạm. Đồng thời, nghiên cứu, tham vấn ý kiến chính thống của các tổ chức tài chính hợp pháp trước khi vay tiền, đọc kỹ các điều khoản hợp đồng.
“Đồng thời tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi quảng cáo, tố chức cho vay tín dụng đen, cưỡng đoạt tài sản đến cơ quan công an”- Thượng tá Lê Mạnh Hà khuyến nghị.