Thứ hai 23/12/2024 06:14

Côn Đảo: Bảo tồn rùa biển cần gắn liền nâng cao nhận thức và phát triển du lịch

Để bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo, tránh nạn tuyệt chủng cần gắn liền nâng cao nhận thức của người dân cũng như thúc đẩy phát triển du lịch về môi trường nơi đây.

Thật may mắn khi tôi là một trong số những tình nguyện viên được tổ chức Liên minh bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) lựa chọn cho chương trình bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo mùa hè 2023.

Chỉ trong hai tuần “nếm mật, nằm gai” ngủ võng, sinh hoạt bằng nước mưa, thức khuya dậy sớm cùng kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo chăm sóc rùa đẻ và ấp trứng, thả rùa con về biển ở Hòn Bảy Cạnh, đã cho chúng tôi một góc nhìn mới mẻ về tài nguyên thiên nhiên của đất nước và trách nhiệm cũng như ý thức của mỗi con người cần thay đổi như thế nào?

Trải nghiệm tuyệt vời cùng bao nỗi trăn trở…

Một ngày mưa bão đầu tháng 8/2023, đội tình nguyện của chúng tôi đã có mặt ở Côn Đảo để sẵn sàng ra các hòn đảo nhỏ thuộc Côn Đảo, nơi có Vích - một loại rùa biển, đang được sách Đỏ Việt Nam cảnh báo sắp bị tuyệt chủng, đến sinh sản.

Nhiệm vụ của chúng tôi trong chương trình tình nguyện này là chia nhóm tham gia hỗ trợ kiểm lâm tại các đảo nhỏ ở Côn Đảo bao gồm: Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tài, Bãi Dương... Trong đó, Bảy Cạnh sẽ có số lượng tình nguyện viên nhiều nhất do đây là nơi rùa thường xuyên lên đẻ và khối lượng công việc nhiều.

Trước ngày lên tàu ra hòn Bảy Cạnh, chúng tôi đã được Ban tổ chức bao gồm IUCN và Vườn Quốc Gia Côn Đảo huấn luyện kỹ càng những công việc chúng tôi phải làm ở đó.

Các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ kiểm lâm tham gia tuần tra rùa biển lên đẻ tại các bãi đẻ, thực hiện đo kích thước, gắn thẻ đánh dấu rùa mẹ, di dời ổ trứng lên khu vực ấp trứng, giúp thả rùa con và hướng dẫn/cung cấp thông tin cho khách du lịch thăm quan rùa biển lên đẻ và thả rùa con về biển.

Rùa mẹ chuẩn bị đẻ trứng

Mỗi sáng chúng tôi làm nhiệm vụ hướng dẫn du khách thả rùa con vừa nở trong đêm về biển. Hoạt động này diễn ra trước 8 giờ sáng để đảm bảo sức khoẻ của rùa con, sau đó chúng tôi đi thu gom rác thải trên đảo.

Buổi chiều chúng tôi làm vệ sinh hố ấp trứng rùa. Xử lý trứng ung, trứng rùa không phôi và vỏ trứng rùa đã nở.

Các tình nguyện viên chăm rùa đẻ trứng

Còn ban đêm, chúng tôi tham gia cùng các anh kiểm lâm tuần tra rùa biển lên đẻ tại các bãi đẻ. Đo kích thước và gắn thẻ rùa mẹ để phục vụ mục đích nghiên cứu và bảo tồn rùa biển. Sau đó chúng tôi di dời ổ trứng lên khu vực ấp trứng để đảm bảo tỷ lệ nở thành công của ổ trứng và đảm bảo tỷ lệ đực cái. Chúng tôi còn hướng dẫn du khách tham gia xem rùa mẹ đẻ trứng…

Rùa con sau khi nở với cơ thể yếu ớt chỉ dài 4 - 5 cm

Nhìn các công việc có vẻ đơn giản nhưng có trải nghiệm thực tế mới cảm nhận hết những hy sinh thầm lặng và sự đam mê vì môi trường thiên nhiên của những người kiểm lâm ở nơi đây. Đã có trường hợp tình nguyện viên không chịu được sự cực khổ và khốc liệt khi mỗi ngày chỉ được ngủ vài ba tiếng. Hai giờ sáng chúng tôi đã phải dậy đi tuần tra rùa biển lên đẻ và lấy trứng mang về ổ ấp. Các hoạt động nối tiếp nhau liên tục trong ngày sẽ khiến chúng tôi mệt nhoài.

Rùa con sẽ phải tự sinh tồn trong tự nhiên

Nhưng khi vượt qua những khó khăn đó, bạn sẽ có những trải nghiệm thật đáng nhớ, khó quên và cảm giác hạnh phúc vô cùng khi sáng sáng tự tay bạn trả hàng trăm, cả ngàn chú rùa mới nở về biển.

Các tình nguyện viên thả rùa con về biển

"10 ngày trên đảo do khối lượng công việc cần phụ giúp các anh kiểm lâm nhiều và tần suất sử dụng thiết bị điện tử ít, phần nào giúp chúng mình sống chậm lại và tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ ở Côn Đảo và những khoảnh khắc thiêng liêng của tạo hoá: quan sát rùa mẹ đẻ và thả rùa con về biển..”- Minh Long, một tình nguyện viên đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Bên cạnh những cảm xúc trải nghiệm thật đáng giá, kết thúc chuyến đi đội tình nguyện viên của chúng tôi vẫn còn nhiều trăn trở. Đó là cảm giác được thả hàng trăm chú rùa con về biển mỗi sáng thật ý nghĩa nhưng cũng xen lẫn với cảm xúc thương xót khi biết rằng chỉ 1/1.000 rùa con có thể sống sót đến tuổi trưởng thành trong 25 - 30 năm sau. Sau khi đẻ trứng, rùa mẹ sẽ lập tức quay về biển. Rùa con sau khi nở với cơ thể yếu ớt chỉ dài 4 - 5 cm đã phải tự sinh tồn trong tự nhiên và… biệt tích trên biển. Rồi 30 năm sau, những chú rùa cái may mắn sống sót và trưởng thành quay về bãi biển nơi mình sinh ra để tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng. Đôi lúc chúng tôi thấy vòng đời của rùa con thật khắc nghiệt!

Sau khi trở về biển dù cơ thể yếu ớt nhưng rùa con sẽ phải tự sinh tồn

Bảo vệ rùa biển cần gắn liền nâng cao nhận thức và phát triển du lịch môi trường

Côn Đảo được biết đến với vẻ hoang sơ của thiên nhiên rừng và biển cùng những di tích lịch sử đầy đau thương gắn liền với hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.

Khách du lịch đến với Côn Đảo xưa nay chủ yếu tham quan di tích lịch sử theo hướng du lịch tâm linh để tưởng nhớ công ơn và sự hy sinh của ông cha vì nền độc lập và tự do của dân tộc.

Các tình nguyện viên được tổ chức Liên minh bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) lựa chọn cho chương trình bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo mùa hè 2023

Những năm gần đây, Côn Đảo cũng đã chú ý đẩy mạnh các hoạt động du lịch biển đảo tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của nơi đây như tham quan rừng ngập mặn, rừng nguyên sinh, đi lặn san hô, thả rùa con về biển,... Mục đích của hoạt động thả rùa con về biển hay tham gia xem rùa mẹ đẻ trứng mang nhiều ý nghĩa nhân văn và thông tin hữu ích nhằm nâng cao nhận thức của du khách về việc bảo tồn rùa biển và có nhiều trải nghiệm hơn.

Tuy nhiên, cách thức truyền tải thông tin về bảo vệ môi trường biển, cụ thể là bảo tồn loài rùa biển (Vích) đang có nguy cơ bị tiệt chủng nơi đây chưa được thực hiện đầy đủ và nhất quán. Điều này vô tình dẫn đến việc nhiều du khách nhầm lẫn tưởng đây đơn thuần là hoạt động du lịch và rùa mẹ được nuôi để đẻ trứng nhằm mục đích khai thác du lịch hay buôn bán rùa con và trứng rùa.

Những hành động chạm tay vào rùa con, di chuyển rổ đựng rùa hay thả rùa về biển sau 8 giờ sáng của du khách đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng sống sót của rùa con khi được thả về môi trường thiên nhiên.

Thiết nghĩ những hoạt động du lịch theo hướng môi trường và bảo tồn rùa biển cần được thực hiện bài bản hơn nhằm đi đúng với mục đích ban đầu và tránh tác động tiêu cực đến công việc bảo tồn rùa biển. Du khách tham gia cần được cung cấp thông tin đầy đủ về rùa biển và quy trình thả rùa từ hướng dẫn viên trước khi đặt chân đến đảo. Cần ưu tiên thả rùa con khi chúng có dấu đuối sức chứ không chờ du khách đến đảo.

Công tác truyền thông cũng như cách xây dựng tour du lịch về môi trường thiên nhiên ở Côn Đảo cần được làm bài bản, chặt chẽ đúng quy trình bảo tồn rùa biển của các tổ chức quốc tế và truyền thông rộng rãi trong ngành du lịch, hướng dẫn viên cũng như du khách trước khi đặt chân đến Côn Đảo.

Theo IUCN, ở Việt Nam có 5 loại rùa biển có tên Việt Nam là Rùa da, Vích, Đồi mồi, Đồi mồi dứa, và Quản đồng. Trong đó loài Vích là số lượng cá thể nhiều nhất ở Việt Nam nói chung và Côn Đảo nói riêng.

Ở Côn Đảo, số lượng Vích lên đẻ hằng năm dao động trung bình từ 200 đến 300 con. Cả 5 loại rùa biển đều có trong sách Đỏ Việt Nam, báo động sắp bị tuyệt chủng từ mức độ nguy cấp đến rất nguy cấp cần phải bảo tồn.

Long Nguyễn
Bài viết cùng chủ đề: Du lịch

Tin cùng chuyên mục

Bộ Y tế thông tin về loại sữa nhiễm chất tẩy rửa ở Hàn Quốc

Nhân sự địa phương: Ban Bí thư chỉ định hai Giám đốc Công an tỉnh giữ chức vụ Đảng

Hải quân Việt Nam và Campuchia tuần tra chung lần thứ 77

Hơn 260.000 lượt khách tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Áp thấp nhiệt đới hướng về quần đảo Trường Sa, miền Trung mưa lớn

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Hàng chục nghìn người dân nhận thẻ đi tuyến số 1 metro VikkiGO miễn phí

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại

Trung đoàn 451: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân

Tìm ra quán quân Cuộc thi Innovation and Development 2024 - The Future of Food

Dự báo thời tiết biển hôm nay 22/12/2024: Quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 22/12/2024: Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, Trung Bộ có mưa

Nhiều địa phương tích cực triển khai Kế hoạch hành động CBRN

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Tinh gọn bộ máy là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực

Chợ truyền thống Hà Nội: Nơi tấp nập - chốn vắng khách

Bộ Nội vụ thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương năm 2024

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Cải tiến quá trình sản xuất - yếu tố ''sống còn'' với cộng đồng doanh nghiệp

Dự báo thời tiết biển hôm nay 21/12/2024: Xuất hiện một vùng áp thấp ở phía nam biển Đông