Phát triển cụm công nghiệp theo quy hoạch, bảo vệ môi trường
Theo Thông báo kết luận số 363-TB/TU ngày 11/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, tỉnh sẽ không phát triển các cụm công nghiệp trong khu kinh tế. Thay vào đó, tỉnh sẽ tập trung vào việc xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp hiện có theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trạm xử lý nước thải tập trung.
Tỉnh Thái Bình chủ trương phát triển công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, quản lý và vận hành các cụm công nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tập trung thu hút các dự án đầu tư có công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất đai; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho các cụm công nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình đã và đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp để phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo tính khả thi.
Riêng đối với thu hút dự án đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp, tỉnh Thái Bình thu hút dự án đầu tư gắn với bảo vệ môi trường, không khuyến khích thu hút các dự án có loại hình sản xuất công nghiệp nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao vào cụm công nghiệp.
Triển khai thực hiện Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại Cụm công nghiệp Đức Hiệp, huyện Hưng Hà. Ảnh: Sở Công Thương tỉnh Thái Bình |
Công tác quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp được tỉnh Thái Bình quan tâm, chỉ đạo triển khai chặt chẽ đúng quy định, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 49 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.722 ha, tính riêng giai đoạn 2021 đến nay đã thành lập mới 4 cụm công nghiệp (Văn Lang 70 ha, Ninh An 74 ha, Hồng Việt 70 ha, Phong Châu 63 ha) và mở rộng 6 cụm công nghiệp (Mê Linh 74 ha, An Ninh 74,6 ha, Vũ Ninh 74,4 ha, Thanh Tân 74 ha, Quỳnh Côi 74,5 ha, Thụy Sơn 42 ha), đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 49 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.322,6 ha; trong đó có 9 cụm công nghiệp do UBND cấp huyện quản lý toàn bộ, 18 cụm công nghiệp do doanh nghiệp quản lý toàn bộ, 17 cụm công nghiệp phần hiện trạng do UBND cấp huyện quản lý và phần mở rộng do doanh nghiệp quản lý; tỷ lệ lấp đầy đất thu hồi các cụm công nghiệp đạt 55,9%.
Kết quả khả quan và hướng đi bền vững
Tỉnh Thái Bình đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trong những năm gần đây. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút được một lượng lớn các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào hạ tầng các cụm công nghiệp và các dự án sản xuất kinh doanh. Trên địa bàn tỉnh đã có 24 doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cho 36 cụm công nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp mới tham gia từ năm 2021 đến nay đã thu hút được 10 doanh nghiệp đầu tư hạ tầng của 10 cụm công nghiệp; thu hút được 493 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp, tăng 1,46 lần so với năm 2021, với tổng vốn đăng ký 36.103 tỷ đồng, sử dụng 60.802 lao động với mức thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đạt 20.332 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 173,07 triệu USD. Dự kiến năm 2024 giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 36.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 318 triệu USD.
Song song với việc thu hút đầu tư, tỉnh Thái Bình cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Theo quy định của pháp luật, các cụm công nghiệp bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống này.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đã được cấp phép môi trường (gồm: Đô Lương, Đông La, Thống nhất, Hưng Nhân, An Ninh, Thụy Sơn, Quỳnh Giao, Quý Ninh, Nam Hà, Vũ Hội, Tân Minh); 02 cụm công nghiệp đã hoàn thành xây dựng công trình đang làm thủ tục xin cấp phép môi trường (Minh Lãng, Thị trấn Vũ Thư); 02 cụm công nghiệp đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (Thái Dương, Bình Minh); 09 cụm công nghiệp đang chuẩn bị đầu tư (Thanh Tân, Cồn Nhất, Đồng Tu, Đức Hiệp, Quỳnh Côi, Đông Phong, Trung Nê, Tây An, Vũ Ninh).
Trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Thực hiện tốt quy hoạch tỉnh Thái Bình; phương án phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc thực hiện đồng bộ các quy hoạch này nhằm tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch, thuận lợi cho các doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của các nhà đầu tư. Sở Công Thương cũng tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư thứ cấp, nâng cao năng lực sản xuất và tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cao.
Để thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ngành Công Thương sẽ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”. Đồng thời, Sở cũng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững, Sở Công Thương Thái Bình sẽ triển khai thực hiện kịp thời, linh hoạt, đồng bộ các chính sách của Trung ương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh và tập trung hình thành mối liên kết giữa các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập nhanh và phát triển hiệu quả.
Với những nhiệm vụ trọng tâm trên, ngành Công Thương tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu đưa ngành công nghiệp trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần xây dựng một tỉnh Thái Bình giàu đẹp, văn minh.