Cơ quan tư pháp đã xét xử nhiều vụ án đi vào lịch sử tố tụng
Tiếp tục chương trình nghị sự, ngày 30/3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum, để đảm bảo và duy trì các hoạt động của đời sống xã hội trong vòng trật tự thì phải có hai yếu tố cơ bản, đó là pháp luật và công lý.
"Khi đứng trước tòa với tư cách là đương sự hay bị can, bị cáo, con người mong muốn tìm đến sự công bằng, nghiêm minh của công lý. Sau mỗi bản án của tòa án là sinh mệnh của một con người. Sinh mệnh đó có thể là danh dự, nhân phẩm, thậm chí là sinh mạng sống của chính họ..." - đại biểu đoàn Kon Tum nêu ý kiến.
Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum |
Theo báo cáo, từ ngày 1/10/2015 - 30/9/2020, Tòa án nhân dân đã thụ lý trên 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được trên 2,3 triệu vụ việc, đạt tỷ lệ 97%; chất lượng xét xử được tiếp tục đảm bảo. Trong đó, đáng lưu ý từ báo cáo “chưa phát hiện kết án oan người không có tội” tại Kỳ họp thứ 10 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đến khẳng định “không để xảy ra kết án oan người không có tội”.
“Đây là một sự khác biệt về chất. Thực thi bảo vệ công lý các hoạt động xét xử Tòa án không chỉ thể hiện trong việc đảm bảo bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà còn góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các phán quyết của mình trong các vụ án hành chính” - đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn đánh giá, các cơ quan tư pháp đã đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong nhiệm kỳ này, tổng số án các loại thụ lý xét xử tăng tới 34%, trong đó nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng nước ta, bởi quy mô lớn và tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó, nhiều vụ án số tiền bị tội phạm chiếm đoạt đã không dừng ở con số vài trăm tỷ đồng mà đã lên đến hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều vụ án số bị cáo tham gia đã không dừng ở con số vài ba bị cáo mà đã có sự câu kết của hàng chục thậm chí là gần 100 bị cáo trong cùng một vụ án. Ví dụ như vụ án tại Ngân hàng Đại Dương với 51 bị cáo, hay vụ án về đường dây đánh bạc nghìn tỷ có sử dụng công nghệ cao với 92 bị cáo…
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn |
“Tại nhiệm kỳ này, lịch sử tố tụng của nước ta cũng lần đầu tiên ghi nhận đã cho bị can được đọc tài liệu trong hồ sơ vụ án. Hiện nay việc này đã đi vào nề nếp và qua đó đã bảo đảm quyền hiến định của người bị buộc tội. Đó là quyền được đọc tài liệu trong hồ sơ vụ án để thực hiện quyền tự bào chữa trong trường hợp mà không có người bào chữa, không có tiền để mời người bào chữa” - đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu rõ.
Đại biểu đoàn Bắc Kạn cũng ghi nhận việc Tòa án Nhân dân tối cao đã tiến hành công khai các bản án trên mạng Internet và lập ra các tiện ích điện tử để giúp cho người dân có thể tham gia ý kiến hoặc đánh giá về bản án.
“Tôi cho rằng, việc công khai các bản án trên mạng là một quyết định rất dũng cảm của hệ thống tòa án. Chắc chắn kèm với đó, chất lượng của các thẩm phán, chất lượng của các bản án sẽ ngày càng nâng cao, sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp hợp lý của người dân” - đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre cũng chia sẻ những vấn đề khó khăn, áp lực của các cơ quan tư pháp. Hàng triệu vụ án thực hiện trong giai đoạn vừa qua là cả một gian truân, đặc biệt, là đứng trước ranh giới giữa công lý, công bằng và những vấn đề tiêu cực.
Từ đó, đại biểu đoàn Bến Tre kiến nghị, cần nghiên cứu lại vấn đề chỉ tiêu trong hoạt động tư pháp, khi tại nhiều nước, có những phiên toà kéo dài cả năm. “Công lý không bao giờ có giá rẻ, thậm chí là đổi không chỉ bằng tiền mà bằng cả xương máu”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - đoàn TP. Hồ Chí Minh |
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa - đoàn TP. Hồ Chí Minh, trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ qua có đóng góp không nhỏ của hoạt động xét xử, kiểm sát của các lực lượng bảo vệ pháp luật, phòng chống tội phạm góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn xã hội và bình yên cho nhân dân.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng băn khoăn về một số hạn chế còn tồn tại trong hoạt động tư pháp. Theo ông, những tư tưởng, quan điểm tiến bộ của chiến lược cải cách tư pháp theo nghị quyết của Bộ Chính trị đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013, được bổ sung trong các luật về tòa án, viện kiểm sát, hình sự, tố tụng hình sự, điều tra, giam giữ, thi hành án... nhưng thực tế vẫn có những điều tra viên, thẩm phán và kiểm sát viên chưa thay đổi tư duy, thói quen để phù hợp quy định mới.
Đại biểu Nghĩa nêu dẫn chứng, nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc bản án phải dựa vào kết quả tranh luận tại tòa chưa được áp dụng triệt để. Trong một số vụ án hình sự lớn, các ý kiến tranh luận của luật sư nhiều khi bị phủ nhận không phải bằng chứng cứ và luận cứ khách quan. Ngoài ra, các thời hạn, thời gian tố tụng, thi hành án dân sự, hình sự, hành chính bị trễ thường xuyên. Không ít đơn khiếu nại bị chậm trả lời, thậm chí bị quên lãng. Có những trường hợp bản án bị hủy, sửa vì sai sót nhưng thẩm phán khi xét xử lại bất chấp ý kiến giám đốc thẩm của tòa cấp trên...