Thứ năm 26/12/2024 19:47

Có nên sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian này?

Nhiều ý kiến của chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng cần tạm hoãn sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong ít nhất 2 năm tới.

Doanh nghiệp khó khăn, sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm này không phù hợp

Ngày 15/3, tại TP. Đà Nẵng, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo: “Ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”.

Các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngày 21/2/2023, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Một số nội dung chính đáng lưu ý đối với ngành đồ uống gồm: Bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.

Theo TS. Võ Trí Thành, hiện tại không nên có những xáo trộn về thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu có thì phải xem xét thận trọng và triển khai từ năm 2026

Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến của chuyên gia, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cho rằng hiện chưa phải thời điểm để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, phải xem xét đến thời điểm sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại có phù hợp hay không? Và trình tự, lộ trình thực hiện việc sửa đổi Luật. “Trước mắt, chúng ta chưa nên có những xáo trộn nhiều về thuế tiêu thụ đặc biệt, vẫn nên giữ như vậy. Giai đoạn chuyển tiếp có thể bắt đầu làm thí điểm, ở mức độ cẩn trọng và phải từ năm 2026 trở đi”, ông Thành nói.

Còn theo luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cần có sự cẩn trọng trong việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc tăng thuế là cần thiết nhưng phải có lộ trình và xem xét kĩ mặt hàng tăng thuế. “Việc tăng thuế cần có lộ trình. Ở thời điểm hiện tại chưa nên tăng thuế”, luật sư Quỳnh Anh nêu quan điểm.

Ông Đỗ Thái Vương – Trưởng tiểu ban nước giải khát, Hiệp hội VBA khuyến nghị: Chính phủ không nên sửa đổi Thuế tiêu thụ đặc biệt vào lúc này. Theo ông Vương, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành nước giải khát đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức hậu Covid-19 khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí logistics tăng; lạm phát.… “Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp thực sự cần một môi trường chính sách ổn định, đặc biệt là thuế, phí để có thể quay lại mức tăng trưởng như trước đại dịch, từ đó, thực hiện một cách bền vững hơn nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước”, ông Vương bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Phúc - Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng cho rằng, đây chưa phải là thời điểm phù hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông Phúc cho biết, áp lực chi phí nguyên vật liệu đã vượt qua khả năng gánh chịu của doanh nghiệp. Hiện giá bán rượu bia đang tăng trên 10%, cao hơn tỷ lệ tăng lạm phát (4%) và cao hơn cả thu nhập bình quân đầu người (9,5%). Ông Phúc kiến nghị cần tạm hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và về lâu dài, cần xem xét lại phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ông Nguyễn Thanh Phúc - Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng kiến nghị chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và loại bỏ mặt hàng đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Đề nghị loại bỏ mặt hàng đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Một vấn đề được đề cập nhiều tại hội thảo đó là việc Bộ Tài chính đề xuất bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ông Chris Vanloon - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Đà Nẵng cho biết: AmCham bày tỏ quan ngại về đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn để kiểm soát béo phì và các bệnh lý không lây nhiễm.

Theo đại diện AmCham, đề xuất này chưa có căn cứ khoa học, và việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của các gia đình và sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, nếu đề xuất này được thông qua, cả ngành đồ uống và thực phẩm vốn đang chật vật phục hồi sau đại dịch phải đối mặt thêm gánh nặng tài chính.

“AmCham kính đề nghị Bộ Tài chính loại bỏ đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn ra khỏi dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Đồng thời cần cân nhắc các tác động tiềm ẩn của đề xuất đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng so với hiệu quả của nó, dựa trên các bằng chứng khoa học xác đáng và nguyên tắc quản lý rủi ro để tránh những hậu quả không mong muốn cho cộng đồng và xã hội”, ông Chris Vanloon khuyến nghị.

Nhiều ý kiến của chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cho rằng đề xuất sửa đổi và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian này là chưa phù hợp. Ảnh: Sản xuất bia tại Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng

Đại diện Tiểu ban nước giải khát cho rằng, hiện nay, chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường. Cho đến nay, thực tiễn tại các quốc gia áp dụng chính sách thuế tương tự cũng chưa cho thấy hiệu quả.

Theo ông Đỗ Thái Vương, chính sách này sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với ngành nước giải khát và gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với các ngành kinh tế khác có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì,… cũng như cả nền kinh tế. “Chúng tôi rất mong Chính phủ và Quốc hội sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng đề xuất này dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn để đảm bảo tính công bằng, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”, đại diện Tiểu ban nước giải khát kiến nghị.

Tương tự, đại diện Heineken Việt Nam cũng cho rằng đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn là không hợp lý. “Chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào kết luận thức uống đại mạch là có hại cho sức khỏe. Chúng tôi rất quan ngại về chính sách này sẽ mâu thuẫn với chủ trương của Chính phủ là khuyến khích sản xuất, phát triển các giải pháp tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm không cồn, nhằm góp phần giảm thiểu tác hại của đồ uống có cồn”, ông Phúc nói.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Tài chính

Tin cùng chuyên mục

AEON Việt Nam ngập tràn hàng hóa với nhiều ưu đãi dịp Tết Nguyên đán

WinEco – Gắn kết nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

Hòa Bình sẽ xử lý cán bộ buông lỏng quản lý về an toàn thực phẩm

Sức mua tăng mạnh lên tới 50% từ chương trình kích cầu Tháng Khuyến mại Hà Nội

Hà Nội: Khai mạc ‘Hội chợ hàng OCOP năm 2024’

Khai mạc Tuần hàng Việt ‘Made in Vietnam 2024’

Minh bạch nguồn gốc: Giải pháp then chốt cho một thị trường thực phẩm an toàn

LocknLock khởi động chiến dịch mua sắm lớn nhất năm

Khai mạc Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2024

Sống xanh và tiêu dùng xanh: Lựa chọn bền vững cho người dân Hà Nội

Sẵn sàng cho Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2024

Kia tăng ưu đãi cho nhiều dòng xe trong tháng 12, cao nhất lên đến 110 triệu đồng

Đón Tết ''Nhẹ-Nhàn-Khỏe" với loạt sản phẩm mới từ Điện máy Gia dụng Hòa Phát

Tổng cục Quản lý thị trường giành giải Nhất cuộc thi Tuyên truyền pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bộ Công Thương tiếp tục quản lý chặt hoạt động bán hàng đa cấp

Bùng nổ cuối năm, VietinBank iPay Mobile tặng iPhone 16 cho người dùng

Chương trình “Hóa đơn trao tay - Vận may bất ngờ” đã tìm ra chủ nhân của hơn 3.500 giải thưởng

Cùng Vietjet trải nghiệm lễ hội khắp Trung Quốc, tặng kèm 20kg hành lý ký gửi với giá hấp dẫn

An toàn thực phẩm, cần bắt đầu từ chính người tiêu dùng

Bảo vệ người tiêu dùng khỏi các mối nguy về an toàn thực phẩm