C/O mẫu D: Doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Hướng dẫn cấp C/O mẫu D (C/O xuất khẩu sang ASEAN)
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn cục hải quan các tỉnh thành phố về sự khác biệt mô tả hàng hóa trên hóa đơn thương mại của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ với đăng ký trên cơ sở dữ liệu tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN và cách thể hiện trị giá FOB trên C/O và C/O giáp lưng.
Cụ thể về sự khác biệt mô tả hàng hóa trên hóa đơn thương mại của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ với đăng ký trên cơ sở dữ liệu tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN, trường hợp mô tả hàng hóa trên hóa đơn thương mại khác biệt so với thông tin hàng hóa đã đăng ký trên cơ sở dữ liệu AWSC trong khi phần mô tả cơ bản là giống nhau.
ASEAN là một trong những thị trường lớn của Việt Nam |
Ví dụ: Trên hóa đơn thương mại ghi BJ7-E4741-00 CATALYST.1; trên cơ sở sữ liệu tự chứng nhận xuất xứ CATALYST.1; Trên hóa đơn thương mại ghi H BEAM I BEAM; trên cơ sở sữ liệu tự chứng nhận xuất xứ H-beam I-beam... được xem là khác biệt nhỏ, không phải là cơ sở từ chối chứng từ tự chứng nhận xuất xứ.
Trường hợp cơ quan Hải quan không có cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu khai báo trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ là hàng hóa đã được đăng ký tại cơ sở dữ liệu hay không, yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố gửi báo cáo về Tổng cục Hải quan để thực hiện xác minh theo quy định.
Về cách thể hiện trị giá FOB trên C/O và C/O giáp lưng, Tổng cục Hải quan cho biết phiên họp thống nhất 7 nước thành viên ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam không yêu cầu thể hiện trị giá FOB trên chứng từ chứng nhận xuất xứ giáp lưng theo quy định tại Quy tắc 25 (trị giá FOB) của OCP.
Theo đó, việc khai trị giá FOB trên chứng từ chứng nhận xuất xứ khi áp dụng tiêu chí RVC hướng dẫn tại điểm 1 công văn số 7886/TCHQ-GSQL ngày 15/12/2020 bao gồm cả chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa giáp lưng (C/O giáp lưng và tự chứng nhận xuất xứ giáp lưng), cụ thể: Đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN khác (Brunei, Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Myanmar, Việt Nam) không phải thể hiện trị giá FOB trên chứng từ chứng nhận xuất xứ giáp lưng khi áp dụng tiêu chí RVC.
Hướng dẫn của Tổng cục Hải quan căn cứ trên cơ sở kết quả Phiên họp Tiểu ban Quy tắc xuất xứ lần thứ 36 (SC-AROO 36) thực thi Hiệp định ATIGA (C/O mẫu D) diễn ra từ ngày 21/6 - 23/6/2021.
Tích cực tạo thuận lợi cho cấp C/O
ASEAN là một trong những khu vực thị trường lớn của Việt Nam với lượng hàng hóa xuất khẩu chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường ASEAN đạt 13,8 tỷ USD, tăng 26,3%.
Để tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, giúp doanh nghiệp tận dụng được các ưu đãi, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Hải quan kết nối thành công với trao đổi C/O mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 103.664 hồ sơ. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối, cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Năm 2021, Bộ Công Thương tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối, cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, trước bối cảnh tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa đang diễn biến phức tạp, để phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa và đảm bảo các lô hàng cấp C/O được hưởng ưu đãi thuế quan, Cục Xuất nhập khẩu đã ban hành Công văn số 349/XNK-XXHH đề nghị các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O ưu đãi thực hiện một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.