“Cơ hội vàng” cho nông sản Lai Châu vươn xa
Qua Chương trình đã mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giúp nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước
Trong quá trình triển khai Chương trình OCOP nhiều sản phẩm nông nghiệp của các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, mở rộng phát triển thị trường không chỉ trong khu vực, trong nước mà nhiều sản phẩm còn vươn ra được thị trường quốc tế. Điển hình như Công ty cổ phần đầu tư phát triển Chè Tam Đường đã sản xuất các loại trà Oolong, Mat cha, Kim Tuyên... (sản phẩm OCOP đạt 4 sao) có mẫu mã, chất lượng tốt đưa vào tiêu thụ tại thị trường trong nước và một số nước như: Đài Loan, Nhật Bản, EU, Afghanistan, Pakistan…
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có 124 sản phẩm OCOP |
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và cung ứng sản phẩm cho các đơn vị liên kết xuất khẩu sang thị trường một số nước châu Âu, hợp tác xã còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 400 hộ gia đình trồng lúa trên địa bàn nhằm đảm bảo nguồn cung, ổn định đầu ra cho sản phẩm gạo Séng Cù cũng như một số sản phẩm khác như gạo tẻ tròn Than Uyên, gạo nếp tan Pỏm Than Uyên, đem lại thu nhập ổn định cho các xã viên từ 6-8 triệu đồng/người/tháng; góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân trồng lúa tại địa phương. Từ khi được UBND tỉnh công nhận phân hạng sao các sản phẩm OCOP, doanh thu của hợp tác xã đã tăng khoảng 20% so với trước đây…
Ông Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Chương trình OCOP thực sự là “làn gió mới” để các làng nghề, hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai thác tiềm năng, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh được khách hàng trong nước tin tưởng tiêu thụ. Từ đó, hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao được gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn”.
Ông Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: “Chương trình OCOP là “cơ hội vàng” cho nông sản địa phương vươn xa. Do vậy, từ bảo vệ, chăm sóc, thu hái, chế biến, đóng gói đến bảo quản sản phẩm OCOP đều được các công ty, doanh nghiệp, họp tác xã kiểm soát chặt chẽ, có mã vạch để khách hàng truy xuất nguồn gốc. OCOP là thương hiệu quý để tập thể, cá nhân khẳng định chất lượng sản phẩm nông sản với khách hàng trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Hiện nay, tỉnh Lai Châu từng bước hình thành thương hiệu cho sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương như: chè, gạo, miến dong, cây ăn quả, cá lồng và cá nước lạnh. Chương trình OCOP đã thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp tập trung, quy mô lớn nhằm xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm. Các chủ thể OCOP giới thiệu và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong cả nước, gia tăng được cả về sản lượng và giá trị sản phẩm, tạo dựng uy tín và thương hiệu vững chắc.
Với hướng đi mới, nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản phẩm OCOP - tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân và kinh tế phát triển bền vững.