Chuyển đổi xanh, tài chính xanh hướng đến Net Zero trong doanh nghiệp
Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (Dự án SPI-NDC) tổ chức.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Hội thảo quy tụ hơn 150 đại biểu từ các Bộ, ngành, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tổ chức tài chính, cơ quan truyền thông tham dự trực tiếp và gần 100 đại biểu trong và ngoài nước tham dự trực tuyến.
Trong bối cảnh tiếp nối những cam kết đổi mới của cộng đồng toàn cầu đối với Thỏa thuận Paris tại COP 28 tổ chức tại Dubai năm 2023, cùng với những nỗ lực tiến bộ của Việt Nam trong thực hiện Thỏa thuận Paris thông qua việc ban hành và triển khai những khuôn khổ pháp lý quan trọng. Sự kiện lần này đã chia sẻ đến các đại biểu những thông tin cập nhật nhất về các chính sách giảm phát thải khí nhà kính hiện hành và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp hướng tới mục tiêu Net Zero cũng như thảo luận về các cơ hội cụ thể để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh: Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng không tại COP 26, tham gia tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cam kết thu hút các dòng tài chính xanh để phát triển năng lượng tái tạo, phát triển carbon thấp…
Để thực hiện các cam kết này, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện các giải pháp bằng các hành động thiết thực. Việt Nam đã xây dựng NDC với quyết tâm giảm phát thải khí nhà kính 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường BAU với sự hỗ trợ của quốc tế vào năm 2030. Hiện Việt Nam đang triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, thực hiện kế hoạch JETP. Trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam đang triển khai quyết liệt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải khí nhà kính với nhiều chính sách đang sửa đổi…
Ông Nguyễn Tuấn Quang phát biểu khai mạc hội thảo |
"Thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Ngân hàng thế giới ước tính Việt Nam phải huy động nguồn lực lên đến 386 tỷ USD từ nay đến 2040 tương đương với GDP của gần 1 năm của VIệt Nam. Với một thách thức và nguồn lực như vậy cần thiết sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp" - ông Quang nhấn mạnh.
Tại hội thảo, chuỗi bài trình bày của các diễn giả, đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu đã cho thấy nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo lập môi trường chính sách thuận lợi hơn, với các quy định hướng dẫn giảm phát thải khí nhà kính đang tiếp tục được cập nhật, cũng như tình hình quốc tế đang diễn ra hết sức năng động, các triển vọng trong tương lai, đồng thời cho thấy nỗ lực của khối doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua các ví dụ điển hình cụ thể.
Phiên thảo luận đầu tiên có sự tham gia của các nhà quản lý doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã cho thấy rõ vai trò và minh chứng cụ thể về những nỗ lực liên tục của cả cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm việc quản lý khử carbon, các thực hành và công nghệ mới được áp dụng cũng như những kết quả tiến bộ đã đạt được cho đến nay.
Phiên thảo luận tiếp theo dưới dự điều phối của ông Fukuda Koji - Cố vấn trưởng Dự án JICA SPI-NDC đã nhấn mạnh vai trò và nỗ lực của các tổ chức tài chính nhằm mở rộng danh mục đầu tư xanh và giảm phát thải khí nhà kính đối với các khoản đầu tư/tài chính trợ vốn, ở cả quy mô toàn cầu và trong nước, cũng như cách tiếp cận chiến lược của các tổ chức này nhằm đạt được sự bền vững và tài chính chuyển đổi tại Việt Nam.
Bên cạnh đó các diễn giả đã thảo luận và đưa ra những thách thức thực tế và lộ trình hướng tới một môi trường chính sách tốt hơn nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động và đầu tư tiếp theo của doanh nghiệp.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững nhấn mạnh: “Chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững đã không còn là một “chiếc áo thời trang” để làm đẹp cho các doanh nghiệp mà đã trở thành điều kiện cần và đủ để chính mỗi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu và có thể đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị bền vững”.
Cũng theo ông Huy, một trong những ưu tiên hành động của VBCSD trong thời gian tới là xây dựng và vận hành các nhóm công tác về chuyển đổi xanh, ESG và Tài chính xanh, từ đó nhân rộng mạnh mẽ hơn các mô hình kinh doanh bền vững và đóng góp thêm các kiến nghị chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho phát triển bền vững doanh nghiệp.
Bày tỏ sự ấn tượng với những nỗ lực thực tế của cộng đồng doanh nghiệp và tài chính được chia sẻ tại diễn đàn, ông Naoki Ikenoya, đại diện Văn phòng JICA Việt Nam khẳng định, JICA sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ cũng như khu vực tư nhân để tăng cường hiệu quả hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Hội thảo đã tái khẳng định giá trị chiến lược của các hành động về khí hậu như một nguồn năng lực cạnh tranh quốc gia trong ngành công nghiệp xanh mới nổi, cũng như giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh chuyển dịch tới phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. |