Chuyển đổi số và những câu chuyện thoát nghèo bền vững của đồng bào dân tộc
Việc tiếp cận thông tin tuyên truyền dễ dàng hơn đã góp phần giúp người dân có thêm kiến thức để làm kinh tế, phát huy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo.
Chuyển đổi số nâng cao dân trí
Nhằm đa dạng hóa sinh kế cho người dân, đặc biệt bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để vươn lên thoát nghèo, thời gian qua, nhiều địa phương đã ưu tiên nguồn lực cho phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp; trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số được chú trọng, coi đây là bàn đạp để pháriển kinh tế - xã hội.
Việc tiếp cận với thông tin tuyên truyền dễ dàng hơn sẽ góp phần nâng cao dân trí |
Tại tỉnh miền núi Bắc Giang, trong Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình hợp tác xã nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025”, địa phương đã bố trí 2,7 tỷ đồng để xây dựng ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, cài đặt trên thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính...). Thực hiện hỗ trợ, phát triển các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, 5 mô hình khởi nghiệp hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Trước sự lan tỏa của công nghệ hiện đại, các hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số ở Bắc Giang không ngừng áp dụng chuyển đổi số. Ghi nhận tại huyện miền núi Yên Thế cho thấy, đến nay, toàn huyện có 43 nhà văn hóa thôn, bản có wifi miễn phí để phục vụ nhu cầu truy cập Internet của người dân. Riêng tại xã Đồng Tiến có 1,2 nghìn hộ dân với 11 dân tộc sinh sống ở 8 thôn, bản. Toàn xã có 5 bản đặc biệt khó khăn là: Đồng An, Cây Thị, Khe Ngọ, Gốc Bòng, Cây Vối. Tuy nhiên, năm 2021, xã đã lắp wifi tại bản Khe Ngọ; đầu năm 2022, lắp đặt tiếp tại 4 bản: Trại Mới, Gốc Bòng, Cây Vối, Cây Thị. Cùng với đó, xã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng.
Trưởng bản Trại Mới - Hà Văn Thưởng - cho biết: "Từ ngày có mạng wifi, những buổi sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi mở tivi xem các chương trình hướng dẫn trồng rừng, chăn nuôi để bà con cùng học tập, trao đổi từ đó áp dụng vào sản xuất".
Hay tại Vi Hương - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Bạch Thông (Bắc Kạn), nhờ ứng dụng công nghệ đã thúc đẩy giảm nghèo bền vững, đời sống người dân từng bước được nâng lên.
Xã Vi Hương có 9 thôn, gồm 5 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mường cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Giữa năm 2020, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, cùng với 7 xã khác trong cả nước, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp với doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ Vi Hương thí điểm chuyển đổi số trên lĩnh vực: Nâng cao chất lượng đội ngũ, tái cấu trúc các hệ thống quản lý điều hành; triển khai truyền thanh thông minh; triển khai các dịch vụ giáo dục, y tế; phát triển thương mại điện tử và thanh toán điện tử. Mục tiêu của chương trình là ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.
UBND xã Vi Hương hướng dẫn bà con cài đặt sổ sức khỏe điện tử |
Sau thời gian thí điểm, kết quả đánh giá cho thấy, các chương trình đã cung cấp đầy đủ thông tin để phục vụ cho quá trình sản xuất cho mọi người dân. Kịp thời cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, dịch vụ thông tin nâng cao đời sống tinh thần. Giúp chia sẻ nhanh chóng, hiệu quả kinh nghiệm thành công về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững.
Còn tại Bạc Liêu, xác định đẩy mạnh chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, năm 2023, các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Hiện nay, 100% xã ở Bạc Liêu có hạ tầng thông tin di động phủ sóng, đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; 100% xã, phường, thị trấn có cáp quang tới trung tâm xã và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng rộng; sóng di động 3G, 4G đã phủ 100% diện tích và dân số trong tỉnh.
Một trong những cách làm hiệu quả của Bạc Liêu thời gian qua là thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Tổ công nghệ số cộng đồng đã đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân, giúp mọi người sớm tiếp cận với môi trường số, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số vào các mặt của đời sống xã hội, giúp phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.
Không chỉ ở Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bắc Giang, mà hầu hết mô hình chuyển đổi số ở các tỉnh, huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thời gian qua đã đem lại kết quả khả quan, có tác động lớn trong việc thúc đẩy giảm nghèo bền vững, đời sống người dân từng bước được nâng lên.
Thúc đẩy công nghệ phát triển để xóa đói, giảm nghèo
Trước những kết quả tích cực đã đạt được, mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND về việc thực hiện Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Tiếp cận thông tin tuyên truyền dễ dàng hơn đã góp phần giúp người dân có thêm kiến thức để làm kinh tế |
Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% cơ quan quản lý, thực hiện chương trình từ tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá; 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống; 100% cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được thông tin tự động về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai…
Phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Đề án;
Từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước thông qua các nhiệm vụ, dự án...
Thực hiện Đề án này, huyện Yên Thế cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin giúp người nghèo, hộ nghèo và cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận thông tin, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp thoát nghèo bền vững.
Lãnh đạo xã Vi Hương (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ: “Với những thành công bước đầu, chúng tôi rất mong Đảng, Nhà nước và các cấp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để thời gian tới địa phương ngày càng phát triển, thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025”.
Giảm nghèo nhờ chuyển đổi số |
Đến năm 2025, Chương trình chuyển đổi số quốc gia tập trung ba nội dung: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển hạ tầng số, thu hẹp khoảng cách số. Trong đó, có các chỉ tiêu cụ thể, như: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng... |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phí Mạnh Thắng - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phương tiện nhanh nhất, hiệu quả để đưa thông tin đến cho toàn dân, công tác truyền thông. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thông tin đến cơ sở, người dân vùng sâu, vùng xa, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thông tin, tuyên truyền rất cần thiết. Việc triển khai xây dựng trạm truyền thông đa phương tiện góp phần hoàn thiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các thông tin, dịch vụ xã hội cơ bản.
Có thể thấy, chuyển đổi số đang đi sâu vào cuộc sống và tạo ra những cơ hội mới cho người dân. Việc hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm chủ cuộc sống và được tiếp nhận mọi dịch vụ công bằng, bình đẳng theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu quan điểm: Mỗi cơ quan, tổ chức và quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển. |