Thứ năm 19/12/2024 03:50

Chuyển đổi số trong ngành logistics: Chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức

Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng quá trình chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đối diện nhiều khó khăn, chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức.

Doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chú trọng chuyển đổi số

Chiều 28/5, tại TP. Hải Phòng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng UBND TP. Hải Phòng và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V: Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024. Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều đại diện các bộ, ngành, địa phương và chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tham dự và phát biểu tại Diễn đàn

Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số với sự phát triển của ngành logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung. Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Đảng và Nhà nước rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6, khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng, coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Xuất phát từ những lợi ích mang lại từ chuyển đổi số trong logistics, một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ là nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, logistics là 1 trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước…

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn

Trong khi đó, theo thông tin tại Diễn đàn, Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng xác định, một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là “Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics”. Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

Đặc biệt, Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Công Thương xây dựng được xem là “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp trong ngành đã nêu rõ quan điểm “Phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, có nhiều lợi thế cạnh tranh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế nhằm tạo đột phá cho phát triển dịch vụ logistics, kết nối sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Qua đó càng cho thấy, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và ngành logistics nói riêng, là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam và tăng trưởng khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Không thể phủ nhận vai trò của chuyển đổi số đối với ngành logistics, nhưng theo khảo sát tại Báo cáo Logistics năm 2023, có 90,5% các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 (tin học hóa) và cấp độ 2 (kết nối). Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ chiếm tới 73,5%.

Chỉ có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 (trực quan hóa), 2,2% ở cấp độ 4 (minh bạch hóa). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều, nhưng đây là các cấp độ quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, chỉ có 1,9% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 (có khả năng dự báo) và con số rất “khiêm tốn” 0,4% doanh nghiệp đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 (có khả năng thích ứng).

Nhìn chung, hiện tại trên thị trường, các doanh nghiệp dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, phần lớn với 90% các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa.

“Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức” - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Thương mại Việt Nam (VCCI), ông Phạm Tấn Công khẳng định.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Quá trình chuyển đổi số trong ngành logistics còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; trình độ nguồn nhân lực logistics và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư tương xứng, đồng bộ với nhu cầu phát triển thực tiễn; cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực logistics có lúc, có nơi còn chưa phát được huy hiệu lực, hiệu quả.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Khai thác tiềm năng logistics Việt Nam thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số

Nói về những tiềm năng cho ngành logistics Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng: Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động, đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã không chỉ mở ra không gian thị trường rộng lớn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư phát triển mạnh mẽ, mà còn tạo nên những cơ hội mới cho Việt Nam thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực logistics.

Năm 2023, theo bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam đã tiếp tục đà tăng điểm đạt được trong báo cáo LPI 2018 khi đạt mức tăng 0,03 điểm, từ 3,27 điểm lên 3,3 điểm, xếp vị trí thứ 43 trong số 139 nền kinh tế được xếp hạng với sự cải thiện của các yếu tố về hạ tầng, hải quan và gửi hàng quốc tế. Theo bảng xếp hạng Emerging Markets Index 2023 mới nhất của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility, Việt Nam đã lọt vào top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới.

Trong đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, đội tàu Việt Nam đã tăng từ hạng 4 năm 2019 lên đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 22 trên thế giới năm 2022 (năm 2019, đội tàu Việt Nam đứng thứ 30).

Tuy nhiên, ngành logistics của chúng ta vẫn còn những hạn chế như: Vận tải hàng hoá trong nước chủ yếu là đường bộ, chi phí logistics còn ở mức cao, năng lực và chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp còn hạn chế. Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt, tiên phong để tiến ra thị trường quốc tế.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương, chuyên gia kinh tế

Nguyên nhân của những vấn đề trên được cho là quá trình chuyển đổi số trong ngành logistic còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; trình độ nguồn nhân lực logistics và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư tương xứng, đồng bộ với nhu cầu phát triển thực tiễn; cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực logistics có lúc, có nơi còn chưa phát được huy hiệu lực, hiệu quả.

Các doanh nghiệp dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp quy mô lớn như Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, các công ty cảng thuộc hệ thống Tổng Công ty hàng hải Việt Nam, Viettel Post, Vietnam Post hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như DHL, Fedex…

Trên cơ sở đó, để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, cần tập trung vào 5 nhiệm vụ, bao gồm:

Một là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng trong phát triển logistics.

Hai là, chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại; phát huy vai trò của logistics thúc đẩy liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương nội vùng mạnh mẽ.

Ba là, phát triển logistics thông minh dựa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành logistics, tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả của quá trình chuyển đổi số để phát triển ngành logistics.

Bốn là, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đủ sức tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu; phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa.

Năm là, chú trọng huy động các nguồn lực cho phát triển logistics theo hướng xã hội hóa, tăng cường hợp tác công - tư trong xây dựng và phát triển các trung tâm logistics trong và ngoài nước, đặc biệt đối với các thị trường đối tác chiến lược. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết: Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi xin ghi nhận các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp công nghệ mới giúp tối ưu hóa, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số được chia sẻ, thảo luận tại Diễn đàn để tiếp thu, hoàn thiện Chiến lược Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045 sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Nguyễn Hoà
Bài viết cùng chủ đề: Ngành dịch vụ logistics

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Tô Lâm: Thanh niên Quân đội phải xây hoài bão lớn

Hải Phòng: Khởi công xây dựng cầu Nguyễn Trãi có tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng

Thủ tướng: Ngành văn hoá, thể thao và du lịch phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cán bộ Đoàn, Hội phải 'gian khổ thì đi trước, hưởng thụ thì đi sau'

Thanh niên Việt Nam yêu nước, đoàn kết, tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Chủ tịch nước Lương Cường: Quân đoàn 12 cần nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ

Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào: Điểm sáng trong quan hệ song phương

Ngành công nghiệp văn hóa: Chuyển biến mạnh từ chính sách đến thực tiễn

Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX

Sẵn sàng cho cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025

Chính phủ cho ý kiến về 06 đề nghị xây dựng luật, 01 dự án pháp lệnh

Thủ tướng: Sắp xếp tổ chức bộ máy cần quan tâm giữ chân cán bộ có năng lực

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Hợp tác song phương Việt Nam - Lào phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Belarus ngày càng củng cố và phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí

Tổng Bí thư Tô Lâm: Bảo đảm an ninh phải góp phần mở rộng không gian phát triển

Đổi mới xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm'

Thắt chặt quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Belarus

Không để tình trạng chảy máu chất xám, lãng phí người tài