Thứ hai 23/12/2024 06:41

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Cơ hội để bứt phá

Ngày 04/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo sự kiện.

Lấy người dân làm trung tâm là tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng là thước đo hiệu quả

Sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” nhằm đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Ngân hàng về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động Ngân hàng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành ngân hàng cần hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong chuyển đổi số

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao của Nhà nước Việt Nam Việt Nam, của ngành Ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Dành nhiều thời gian phân tích các yếu tố nền tảng để xây dựng và phát triển đất nước, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế. Do đó, chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động chuyển đổi số phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể thì mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi; chỉ có như vậy thì chuyển đổi số mới thành công.

Thủ tướng yêu cầu Nhà nước Việt Nam, chuyển đổi số triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm; tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính. Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán. Đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự sự kiện - Ảnh: VGP

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chuyển đổi số đã trở thành là xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được đề cập như là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội XIII.

Chiến lược chuyển đổi số quốc gia định hướng đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, đạt được sự đổi mới căn bản, toàn diện cả ở hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân.

Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia xác định Ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Điều này thể hiện sự tin tưởng và cũng là trọng trách lớn lao mà Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành ngân hàng” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm đến công tác chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Tại Diễn đàn Chuyển đổi số, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số hướng đến người dân, doanh nghiệp, đặt người dân, doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số hiệu quả để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi.

Để triển khai định hướng, chỉ đạo và nhiệm vụ được giao một cách thống nhất, xuyên suốt, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành ngân hàng do Thống đốc là Trưởng ban chỉ đạo, thành viên là thủ trưởng các đơn vị Vụ/Cục chức năng Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch/Tổng Giám đốc một số Tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện - Ảnh: VGP

Ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. “Việc ban hành Quyết định 810 có thể xem là dấu mốc có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự chủ động, sáng tạo, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và thống nhất ý chí, hành động toàn ngành để tạo sức mạnh cộng hưởng to lớn giúp ngành ngân hàng phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, tiếp tục tiên phong trong triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia và đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số Việt Nam” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin, thời điểm tháng 5 cũng diễn ra 2 sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của ngành Ngân hàng là: Kỷ niệm Ngày thành lập ngành 06/5 và Ngày khoa học công nghệ 18/5. Bởi vậy, để ghi dấu ấn cho hoạt động chuyển đổi số của ngành, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Ngày 11/5 được chọn là Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Nhiều ngân hàng Việt chuyển đổi số ở Top đầu với 90% giao dịch online

Thời gian qua, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhờ sự phối hợp, hỗ trợ từ các Bộ, ban ngành liên quan cùng với sự chủ động tích cực của toàn ngành với tinh thần lấy người dân làm trung tâm là tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu và ban hành quy định kịp thời, phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động chuyển đổi số như: Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trung gian thanh toán, mở tài khoản và nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip...) tăng cường chuẩn hóa, tăng tính liên thông trong ngành Ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành khác và chủ động rà soát thường xuyên khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hoạt động ngân hàng số. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên quan tâm đến việc nâng cấp, xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động chuyển đổi số.

Về phía các tổ chức tín dụng, với tiếp cận “Chuyển đổi số để tăng tốc và phát triển bền vững”, nhiều ngân hàng xem chuyển đổi số và việc phát triển mô hình, hoạt động ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hoạt động đầu tư cho chuyển đổi số được chú trọng.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, truyền thông có vai trò quan trọng. Thời gian qua, các hoạt động truyền thông, giáo dục tài chính được Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh, nhiều chương trình được dư luận đánh giá cao như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”, “Đồng tiền thông thái”, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”… qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử, từ đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện.

Nhiều ngân hàng Việt chuyển đổi số ở Top đầu với 90% giao dịch online - Ảnh: VGP

Theo Vụ Thanh toán, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021);

Tính đến tháng 6/2022, có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC); 1,77 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở Top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% năm 2025; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.

Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành Ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.

5 nhiệm vụ lớn

Để triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án của Chính phủ, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động;…

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox), các quy định tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số…; phối hợp các bộ, ngành khác trong xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), nghị định định danh và xác thực điện tử, nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân…

Thứ hai, chú trọng triển khai Đề án 06: Tập trung vào kết nối cơ sở dữ liệu công dân, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ công tác quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ trên môi trường điện tử.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số, tăng cường kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác (kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác).

Thứ tư, ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số phục vụ người dân đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, các giao dịch ngân hàng số, thanh toán số.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân: Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước vẫn đang phối hợp với xây dựng các chương trình phổ cập tài chính cho người dân.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng với chi phí hợp lý tin cậy cho cả các đối tượng yếu thế trong xã hội. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước xin ý kiến sửa Thông tư 39, trong đó cho vay trên nền tảng số. Mong các đơn vị góp ý triển khai. Sự có mặt của lãnh đạo Chính phủ là niềm động viên tạo cảm hứng lớn cho những người làm công nghệ thông tin ngân hàng tiếp tục hướng tới các thành tựu mới.

Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng bao gồm các hoạt động: Công bố “Ngày chuyển đổi số” hàng năm của ngành Ngân hàng và ra mắt Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng; Trình diễn Demo công nghệ (mở tài khoản, phát hành thẻ eKYC trên cơ sở kết nối M.O.C với Căn cước công dân gắn chịp hoặc kết nối, sử dụng tài khoản định danh xác thực điện tử…); Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tăng cường kết nối, thúc đẩy Chuyển đổi số ngân hàng”;

Triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng: gồm 13 gian hàng (của các ngân hàng: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank; TPBank, Techcombank, VIBank, MBBank, ACB, KienLongBank, NamABank; HDBank; VNPay nhằm giới thiệu các công nghệ, dịch vụ tiêu biểu, như: Dịch vụ ngân hàng trực tuyến; máy giao dịch ngân hàng tự động STM, chi nhánh ngân hàng 4.0, các dịch vụ thanh toán hiện đại như thanh toán QR code, Tap to pay, Livebank, thanh toán phi tiếp xúc...

Hoàng Lan
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng

Tin cùng chuyên mục

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

Thêm tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán xuống 30 ngày