Chuyển biến tích cực trong thực hiện chức năng thanh tra
Phát hiện nhiều sai phạm qua công tác thanh tra
Năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH. Theo BHXH Việt Nam, quá trình thực hiện đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong chỉ đạo đối với công tác của ngành. Đồng thời, là năm thứ ba thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT; ngành BHXH luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong triển khai tổ chức thực hiện.
Ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thanh tra tại doanh nghiệp |
Trên cơ sở chỉ đạo đó, ngày 3/1/2018, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-BHXH về kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành và kiểm tra năm 2018. Trong năm 2018, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng loạt và đầy quyết tâm trong công tác thanh tra, kiểm tra. Như: kiện toàn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra tại BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành và giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Qua đó, nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
BHXH Việt Nam còn đặc biệt sát sao chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra, kiểm tra năm 2018; chủ động thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng kịp thời hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Với sự quyết liệt đó, năm 2018, toàn ngành BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên ngành tại 8.447 đơn vị, doanh nghiệp; kiểm tra tại 11.135 đơn vị; thanh tra kiểm tra liên ngành tại 5.761 đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, đã phát hiện 48.562 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian (số tiền truy đóng là 140,7 tỷ đồng). Phát hiện 48.689 lao động tham gia thiếu mức quy định (số tiền phải truy đóng 54,9 tỷ đồng). Tổng số tiền các đơn vị, doanh nghiệp nợ trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 3.815 tỷ đồng; số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong và sau thời gian thanh tra, kiểm tra là 2.121 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo BHXH Việt Nam, đơn vị này đã yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 12,1 tỷ đồng do người lao động tại đơn vị hưởng chế độ BHXH không đúng quy định; 3,1 tỷ đồng do hưởng BHTN không đúng quy định. Yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT số tiền 164,6 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT không đúng quy định. Đồng thời, đã lập 1.054 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị sử dụng lao động, với tổng số tiền xử phạt phải thu là 37,38 tỷ đồng.
Năm 2018, BHXH Việt Nam cũng đã tiến hành tổ chức nhiều đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT tại các địa phương; phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc thanh toán chi phí KCB BHYT tại gần 40 tỉnh, thành phố, qua đó đã phát hiện nhiều nội dung thanh toán sai quy định, kiến nghị thu hồi về Quỹ BHYT hàng trăm tỷ đồng.
Sẽ thanh, kiểm tra đột xuất
Những kết quả đạt được trong năm 2018 theo đại diện BHXH Việt Nam là nhờ trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành và kiểm tra năm 2018, BHXH đã quán triệt, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.
Trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt, BHXH Việt Nam thường xuyên kiểm tra, đánh giá, đôn đốc các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng định hướng, kế hoạch. Khi phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác hoặc cơ quan kiểm toán đã có sự trao đổi, thống nhất giải pháp phù hợp tránh chồng chéo và đảm bảo tính kế thừa giữa các cơ quan, đơn vị.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT và xây dựng hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT, BHTN sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Đồng thời, triển khai và đôn đốc, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2019; thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu quản lý. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của BHXH Việt Nam để phù hợp với các quy định hiện hành và đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức, tăng cường đội ngũ cán bộ có trình độ, kinh nghiệm làm công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân toàn ngành. Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên rà soát những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, kể cả những vụ việc đã được giải quyết nhưng công dân vẫn khiếu nại, tố cáo để BHXH Việt Nam tập trung chỉ đạo, tìm biện pháp giải quyết dứt điểm.
BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo; pháp luật về BHXH và BHYT trong nhân dân nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, tôn trọng và thực hiện những quy định của pháp luật. |