Chương trình OCOP Quảng Ninh: Khẳng định hướng đi đúng
Góp phần tái cơ cấu kinh tế
Sau 7 năm triển khai Chương trình OCOP, Quảng Ninh đã đạt được một số kết quả bước đầu, khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh. Chương trình đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế.
Sản phẩm OCOP của tỉnh đang từng bước tiêu chuẩn hóa |
Hiện nay, các tổ chức kinh tế phát triển nhanh cả về quy mô và số lượng, theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần hình thành hệ thống tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong khu vực nông nghiệp và nông thôn. Nếu như năm 2014, tỉnh chỉ có 40 tổ chức kinh tế (15 hợp tác xã và 25 hộ sản xuất) tham gia, đến nay con số này là 175, trong đó năm 2020 phát triển mới 27 tổ chức tham gia chương trình.
Đặc biệt, sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao, từng bước hoàn thiện đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã và được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Đến nay, Quảng Ninh có 171 đơn vị tham gia với 461 sản phẩm OCOP. Trên 95% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc.
Doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất năm 2020 ước đạt 870 tỷ đồng, nhờ gia tăng giá trị sản phẩm trên 30% và tăng về quy mô sản xuất trên 18%.
Cũng từ đó, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm (bình quân cả nước đạt khoảng 40 triệu đồng), tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.
Từng bước hoàn thiện các tiêu chí
Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đã có; trong đó tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc… đảm bảo theo quy định.
Đồng thời, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ nhà quản lý của cán bộ và chủ doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ lập dự án sản xuất; đổi mới quy trình công nghệ, nâng cao nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Đức - Phó Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh: Năm 2020, Ban Xây dựng nông thôn mới đã tham mưu Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đạt sao đối với 10 sản phẩm OCOP đã cấp sao năm 2016 và đưa 65 sản phẩm ra khỏi chương trình do sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn và không có tiềm năng phát triển. "Đây là việc làm cần thiết để giữ vững thương hiệu, cũng như tạo sức hút cho những đơn vị thực sự có tâm huyết với chương trình. Các sản phẩm đã tham gia sân chơi phải ngày càng nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, chuẩn hóa bao bì, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong, ngoài tỉnh và tiến gần hơn với thị trường quốc tế" - ông Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.
Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm như: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại siêu thị Big C tại Hạ Long, Hà Nội và một số thành phố lớn trong cả nước. Kết nối đưa sản phẩm OCOP tới các trung tâm lớn như Mega Market, VinMart …; tăng cường truyền thông quảng bá và bán hàng qua mạng internet.
Quảng Ninh đang triển khai lập đề án, dự án phát triển 12 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và 6 sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia. Các sản phẩm đều chủ động nguồn nguyên liệu, phát triển theo chuỗi từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. |