Chung tay tiết kiệm điện qua Chương trình DR
Để tạo ra những chi tiết phục vụ sản xuất động cơ xe gắn máy, mỗi tháng Công ty Cổ phần Công nghiệp JK Việt Nam (KCN Phú Nghĩa, Hà Nội) tiêu thụ khoảng 250.000 kWh điện, tương đương với khoảng hơn 500 triệu đồng. Trước lời kêu gọi của Bộ Công Thương, ngành điện và Chỉ thị số 20, Công ty JK đã quyết định thực hiện DR. Theo đó, tại mỗi chiếc máy dập trong dây chuyền sản xuất của JK đều được trang bị thêm 1 thiết bị inventer, có tác dụng nâng cao hiệu suất của động cơ cũng như giảm đáng kể lượng điện năng tiêu thụ.
Thực hiện DR giúp May 10 giảm chi phí tiền điện. Ảnh: Minh Quang |
Ông Đỗ Quang Quyết - Phó Giám đốc hành chính nhân sự Công ty Cổ phần Công nghiệp JK Việt Nam - cho biết, lợi ích lớn nhất khi tham gia Chương trình DR là chủ động giảm thiểu đến mức thấp nhất những ảnh hưởng trong quá trình sản xuất khi có tình huống đặc biệt gây gián đoạn cung cấp điện. Việc này được nghiên cứu một cách chủ động nhằm tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, đảm bảo bù lại thời gian gián đoạn.
Cũng theo ông Quyết, để có thể tạo ra những linh kiện cơ khí với số lượng lớn, cần sử dụng tới hàng trăm động cơ điện công suất lớn. Toàn bộ hệ thống máy móc này mỗi tháng tiêu thụ hết hơn 500 triệu đồng tiền điện. Tuy nhiên, từ sau khi tham gia Chương trình DR công ty đã tiết kiệm được 3% tiền điện hàng tháng so với thời gian trước, cũng như tránh quá tải cho ngành điện vào giờ cao điểm.
Là một doanh nghiệp dệt may lớn trên địa bàn Thủ đô, Tổng công ty May 10 sử dụng tới hàng nghìn máy may công nghiệp cùng hàng trăm máy vắt sổ, thùa khuyết, bàn là hơi, cùng rất nhiều bóng đèn chiếu sáng và quạt thông gió. Toàn bộ máy móc công nghiệp có công suất cao, tiêu thụ một lượng lớn điện năng, đặc biệt vào cao điểm mùa hè với chi phí tiền điện trung bình khoảng 1,1 tỷ đồng.
Ông Bạch Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 - chia sẻ, sau khi áp dụng Chương trình DR do EVNHANOI phát động, cùng với những biện pháp đồng bộ, trong 1 tháng đơn vị đã giảm chi phí tiền điện khoảng 5%.
Với 100% dây chuyền công nghệ sử dụng điện như Nhà máy sản xuất kính của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kính thì đội ngũ kỹ sư đã tìm ra một giải pháp tối ưu hơn, đó là tận dụng diện tích lớn các mái nhà của xưởng, lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Nhờ vậy, trong những tháng hè cao điểm, công ty đã tiết kiệm được khoảng 80 triệu - 150 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - cho biết, việc triển khai Chương trình DR thường được ngành điện và khách hàng phối hợp thực hiện trong những thời điểm cần thiết, như: Cao điểm tới hạn của hệ thống; sự cố và vận hành kinh tế, mang tính hợp tác cũng như tự nguyện của doanh nghiệp.
“Bộ Công Thương đang tích cực nghiên cứu cơ chế DR thương mại, tức là có khuyến khích tài chính để khách hàng tham gia DR tích cực hơn”- ông Nguyên thông tin.