Mời tham dự hội thảo về Quy định và thủ tục cấp giấy chứng nhận của Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ Quy định và thủ tục cấp giấy chứng nhận của Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) đối với doanh nghiệp nước ngoài |
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam. Trong bài phát biểu khai mạc chương trình, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại tại Ấn Độ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giấy chứng nhận BIS do Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ cấp. Đây là giấy chứng nhận bắt buộc đối với nhà sản xuất cả trong và ngoài nước để sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường Ấn Độ, danh sách này ngày càng mở rộng và hiện một số mặt hàng như hóa chất, đồ chơi, thép, giầy dép, lốp xe, sợi tổng hợp... bắt buộc phải có chứng nhận BIS và là các mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu sang Ấn Độ.
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại tại Ấn Độ |
Hai diễn giả của chương trình là ông S. Venkatesh và ông P. Deshick, công tác tại Phòng chứng nhận các nhà sản xuất nước ngoài (FMCD) thuộc Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ, đã trực tiếp cấp giấy chứng nhận BIS cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Hai diễn giả đã trình bày chi tiết về các thủ tục, giấy tờ cần chuẩn bị để đăng ký BIS, các trường hợp bị từ chối đơn, khảo sát thực tế tại nhà máy, vai trò và trách nhiệm của người đại diện là người Ấn Độ để thay mặt nhà sản xuất nước ngoài liên hệ với FMCD, gia hạn giấy phép, bảo lãnh ngân hàng và các khoản phí liên quan.
Để được cấp giấy chứng nhận BIS, nhà sản xuất cần chuẩn bị các giấy tờ sau: Đơn đăng ký kèm phí đăng ký 1.000 INR; giấy xác thực địa chỉ của nhà máy; danh mục máy móc sản xuất; danh sách thiết bị kiểm tra theo ISS và chứng chỉ hiệu chuẩn có liên quan, hướng dẫn sử dụng sản phẩm; danh sách nguyên liệu thô có chứng chỉ phân tích; sơ đồ bố trí nhà máy; lưu đồ quy trình sản xuất với các mô tả ngắn gọn và các điểm kiểm soát chất lượng trung gian; báo cáo thử nghiệm tại nhà máy cho tất cả các thử nghiệm có thể có theo Tiêu chuẩn Ấn Độ; giấy chấp nhận hướng dẫn sử dụng sản phẩm, phí đánh dấu (marking fee); thư đồng ý (nếu không có Cơ sở xét nghiệm hoàn chỉnh); thông số kỹ thuật liên quan đến sản phẩm (nếu có).
Trong buổi diễn thuyết, diễn giả cũng đề cập đến các trường hợp mà đơn đăng ký BIS có thể bị từ chối, bao gồm: (i) Không có cơ sở thử nghiệm đầy đủ theo hướng dẫn sử dụng ISS hoặc sản phẩm liên quan; (ii) Không trả lời đầy đủ các câu hỏi được đưa ra bởi viên chức được chỉ định; (iii) Không nộp đủ phí đăng ký; (iv) Không phát hành thư mời cho viên chức được chỉ định; (v) Không xác nhận hoặc không sẵn sàng cho cuộc kiểm tra.
Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ từ doanh nghiệp, BIS sẽ chỉ định chuyên gia đến kiểm tra tại cơ sở sản xuất. Chuyến kiểm tra này sẽ đánh giá các yếu tố như: Cơ sở sản xuất, vệ sinh (trong trường hợp sản phẩm là thực phẩm), cơ sở thử nghiệm và nhân viên kiểm soát chất lượng. Nếu đánh giá đạt yêu cầu, các mẫu sẽ được lấy để kiểm tra độc lập. Người nộp đơn sẽ phải chi trả các chi phí liên quan đến vận chuyển và thủ tục hải quan.
Tại buổi hội thảo, một yêu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải có Người đại diện được ủy quyền ở Ấn Độ (AIR). AIR phải là người Ấn Độ và chỉ đại diện cho một công ty sản xuất, không đại diện cho (các) nhà sản xuất nước ngoài khác theo các chương trình Đánh giá sự phù hợp của BIS. Tuy nhiên, trong trường hợp các nhà sản xuất nước ngoài thuộc cùng một nhóm công ty và nhà nhập khẩu (có liên quan đến nhà sản xuất nước ngoài) được chỉ định là AIR, hạn chế này sẽ không được áp dụng.
Đối với AIR, yêu cầu cần phải đáp ứng là tốt nghiệp theo trình độ chuyên môn và hiểu rõ các điều khoản của Đạo luật BIS năm 2016 cùng với các quy tắc, quy định liên quan. Họ không được có bất kỳ xung đột lợi ích nào liên quan đến vai trò của mình với việc thử nghiệm (các) mẫu trong phòng thí nghiệm của bên thứ ba. Ngoài ra, AIR phải tuân thủ các đạo luật, quy tắc, quy định, điều khoản & điều kiện được quy định trong Giấy phép, thỏa thuận, cam kết của BIS, v.v. được thực hiện bởi hoặc thay mặt cho nhà sản xuất nước ngoài có liên quan đến việc cấp giấy phép hoạt động.
Vấn đề về ngân hàng bảo lãnh cũng được các doanh nghiệp quan tâm. Theo quy định, sau khi được cấp giấy chứng nhận BIS, nhà sản xuất phải có bảo lãnh ngân hàng mức 10.000 USD tại các ngân hàng có chi nhánh cả ở cả Việt Nam và Ấn Độ (như HDFC, DBS, Citibank, Standard Chartered.
Giấy phép BIS sẽ có thời hạn một hoặc hai năm khi đăng ký lần đầu. Sau đó, doanh nghiệp có thể nộp đơn gia hạn tối đa 5 năm, dựa trên kết quả hoạt động của giấy phép. Để được gia hạn, doanh nghiệp cần nộp đơn ít nhất 3 tháng trước khi giấy phép hết hạn. Phí cấp giấy phép hàng năm là 1.000 Rs/- nhân với số năm yêu cầu gia hạn và phí đăng ký gia hạn là 1.000 Rs/-.
Hội thảo đã diễn ra với sự tham gia sôi nổi của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm sản xuất thép, dệt may, giày dép, đồ chơi và polyester vì đây là vấn đề phức tạp, sát sườn đối với doanh nghiệp. Đối với mỗi loại sản phẩm, Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ đã đưa ra hướng dẫn cụ thể về các giấy tờ liên quan và quy định.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các yêu cầu đối với sản phẩm của mình, doanh nghiệp có thể truy cập trang web của Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ tại địa chỉ: https://www.bis.gov.in/; email của Phòng chứng nhận các nhà sản xuất nước ngoài (FMCD) [email protected]. Doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ theo địa chỉ B2/51 Safdarjung Enclave, New Delhi, hoặc qua email: [email protected] hoặc [email protected].