Thứ sáu 08/11/2024 14:27
Phiên họp thứ 36, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:

Chưa thống nhất nhiều nội dung trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua và sẽ tiếp tục được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 cuối năm nay. Song, thảo luận tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật này ngày 12/8, vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến những nội dung được xem là “xương sống” của Luật.

Nên giao KTNN thực hiện giám định tư pháp?

Đi thẳng vào nội dung các quy định bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN như dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội - Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật - cho rằng, quy định như vậy là quá rộng và chồng chéo với các cơ quan, đơn vị khác và chưa cụ thể để thực hiện. Vì vậy, Cơ quan thẩm tra đồng ý với ý kiến của KTNN - Cơ quan soạn thảo - về việc đề nghị bỏ, không bổ sung vào dự thảo Luật thẩm quyền của KTNN trong giám định tư pháp.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban TCNS và KTNN phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh Dự luật và báo cáo tiếp thu giải trình để trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến vào Phiên họp thứ 37 tới đây

Tuy nhiên trong phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc đưa vào dự thảo Luật quy định này là xuất phát từ yêu cầu thực tế của công tác điều tra, truy tố, xét xử. Theo đó, vướng mắc rất lớn hiện nay là giám định tài chính liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng như nội dung Nghị quyết 18 của Trung ương đã nêu rõ, giao cho KTNN thực hiện giám định tư pháp.

Không tán thành với ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu quy định giao cho KTNN thực hiện chức năng giám định tư pháp thì sẽ liên quan từ trung ương đến địa phương, tòa án, cơ quan điều tra… sẽ yêu cầu KTNN giám định tư pháp.

Nhấn mạnh “nếu KTNN thực hiện được chức năng giám định tư pháp thì “quá tốt””, song Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu giao cho KTNN thực hiện như một nhiệm vụ bắt buộc thì khối lượng công việc của KTNN sẽ rất nặng, không đủ sức.

“Rạch ròi” thẩm quyền thanh tra - kiểm toán

Liên quan đến những quy định nhằm tránh sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các cấp và của KTNN, chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là vấn đề trọng tâm đặt ra yêu cầu sửa Luật KTNN đã được nêu rõ trong Nghị quyết 18-NQ/TW. Trong khi đó, các quy định trong Dự thảo luật còn chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là khắc phục tình trạng chồng chéo giữa KTNN với thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành và thanh tra địa phương.

Vì vậy, đại diện Uỷ ban TCNS đề nghị, Ban soạn thảo cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để khắc phục vấn đề này, đồng thời quy định nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.

Cụ thể hơn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, cần quy định rõ ai sẽ là người điều hòa? điều hòa như thế nào? và thẩm quyền, trách nhiệm ra sao trong trường hợp xảy ra sự chồng chéo giữa cơ quan Thanh tra và cơ quan Kiểm toán để đảm bảo không vướng mắc khi triển khai thực hiện và để hai cơ quan cùng phối hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán trong dự thảo Luật nhận được khá nhiều ý kiến. Cụ thể, theo Uỷ ban TCNS, tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động kiểm toán phải là các tổ chức, cá nhân mà kiểm toán viên xác định được trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán và là các tổ chức, cá nhân đó có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán, có những nội dung cần làm rõ để xác nhận, đánh giá và kết luận, kiến nghị về đơn vị được kiểm toán.

“Không quy định rõ thì dễ bị lạm dụng, nếu tự dưng KTNN xông vào kiểm toán một đơn vị tư nhân là sai” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Thận trọng khi cho phép KTNN truy cập dữ liệu điện tử

Về việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng của cơ quan được kiểm toán, Ủy ban TCNS thống nhất cho phép KTNN được truy cập. Tuy nhiên, dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, đồng thời việc truy cập đòi hỏi trình độ nhất định về công nghệ thông tin để có thể quản lý, giám sát kiểm toán viên và truy cứu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm, sự cố.

Do đó, tại phiên thảo luận, một số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn thận trọng cho rằng cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn về quy định này, bởi, nếu cho phép KTNN quyền truy cập thông tin điện tử trong khi những đối tượng khác (cơ quan, tổ chức, cá nhân…) không có quyền truy cập thì phải làm rõ là quyền này đến mức nào. Ví dụ, chỉ cho phép KTNN truy cập dữ liệu điện tử khi có biểu hiện trốn thuế hay biểu hiện làm sai quy định về tài chính chứ thường xuyên truy cập thì không được.

Thậm chí có ý kiến cho rằng, ngay tại dự thảo Luật phải quy định rõ về trường hợp, mức độ truy cập để không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức, công dân, đồng thời phải quy định điều kiện về trình độ và phân quyền truy cập phù hợp với từng cấp độ của kiểm toán viên KTNN.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, trên cơ sở phiên họp này, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu theo hướng không mở rộng thêm nhiệm vụ của KTNN; giữ nguyên phạm vi hoạt động của KTNN; quy định rõ một cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, điều phối nếu có sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban TCNS và KTNN phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh Dự luật và báo cáo tiếp thu giải trình để trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến vào Phiên họp thứ 37 tới đây.
Hoàng Châu
Bài viết cùng chủ đề: Kiểm toán nhà nước

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024

Khơi thông nguồn lực từ những dự án ách tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội

Luật Điện lực (sửa đổi): Tháo gỡ chính sách, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về điện

Công điện của Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó bão Yinxing

Trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đại sứ Cuba Hernandez Guillén đến chào từ biệt

Điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sự cố máy bay Yak-130: Bộ trưởng Phan Văn Giang gửi thư khen hai phi công bản lĩnh, tự tin

Đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp

Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ

Bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 2 giữa Trung tướng Phạm Hồng Chương và Thiếu tướng Trần Văn Bắc

Kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2024) - Cuộc cách mạng của nhân dân

Xử lý SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của tổ chức kiểm toán

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thiết kế 'luồng xanh' để hút vốn đầu tư

Thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Quảng Tây, Trung Quốc

Chủ tịch nước Lương Cường sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC, thăm chính thức Chile và Peru

Tại sao cơ sở tư nhân mua được thiết bị y tế rẻ hơn cơ sở công lập?