Thứ hai 23/12/2024 23:52

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Ban liên lạc Đại đoàn 305 Dù - Đặc công

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Đại đoàn 305 Dù - Đặc công hướng tới 70 năm Ngày truyền thống của đơn vị.

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 70 năm Ngày truyền thống Đại đoàn 305 Dù - Đặc công, chiều 23/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Đại đoàn 305 Dù - Đặc công.

Chủ tịch nước Tô Lâm và các đại biểu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Trước khi bắt đầu cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng và xúc động khi được gặp lại các đồng chí là Tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ông cũng gặp đại biểu của Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Đại đoàn 305 Dù - Đặc công và Công an nhân dân - Biệt động Sài Gòn.

Chủ tịch nước bày tỏ ấn tượng và khâm phục với những chiến công đặc biệt xuất sắc của các cựu chiến binh Đại đoàn 305 Dù - Đặc công, Công an nhân dân và chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, những người được rèn luyện thử thách trong khói lửa đấu tranh cách mạng và cuộc kháng chiến của dân tộc, đã anh dũng hy sinh, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, ngày nay chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang hòa bình và phát triển. Mặc dù nhiều cựu chiến binh đã tuổi cao, sức yếu, nhưng tinh thần, khí phách và truyền thống anh hùng của Đại đoàn 305 Dù - Đặc công mãi mãi còn đó, là niềm tự hào của con cháu và các thế hệ mai sau.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước gửi đến các cựu chiến binh lời thăm hỏi ân cần, tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, đồng thời bày tỏ mong muốn các cựu chiến binh tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với truyền thống của Quân đội và Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Chủ tịch nước nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của các ban, bộ, ngành và nhân dân cả nước, chúng ta đã xây dựng đất nước có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, đã đưa đất nước lên tầm cao mới như hiện nay; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững, quốc phòng - an ninh được củng cố; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, nước ta cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen ngày càng phức tạp.

Chủ tịch nước Tô Lâm tặng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Thiếu tướng Võ Sở, 96 tuổi, Trưởng ban Ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Đại đoàn 305 Dù - Đặc công. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Trong không khí thi đua giành những kết quả tốt nhất chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Đại đoàn 305 Dù - Đặc công, Chủ tịch nước mong rằng Ban liên lạc cựu chiến binh Đại đoàn thời gian tới tiếp tục giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn là tấm gương sáng cho gia đình, con cháu noi theo; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương ổn định, vững mạnh, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Cùng với đó, theo Chủ tịch nước, Ban liên lạc cần tiếp tục có các hoạt động nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nhất là với những gia đình liệt sỹ, các hội viên là thương binh và hội viên có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau; góp phần cùng quân dân cả nước xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Quốc phòng và Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ để cựu chiến binh Đại đoàn 305 Dù - Đặc công tiếp tục có các hoạt động giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời, cổ vũ, động viên cá nhân cựu chiến binh tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu hợp pháp, coi trọng nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, làm công tác đền ơn đáp nghĩa trở thành nét đẹp của xã hội Việt Nam.

Đại đoàn 305 Dù - Đặc công: Hơn nửa thế kỷ anh hùng

Ngày 30/8/1954, Đại đoàn 305 (sau đổi tên thành Sư đoàn 305) ra đời, nòng cốt là một số trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực tại chiến trường Bắc Tây Nguyên và Trung Trung Bộ. Trải qua những cuộc chiến đấu khốc liệt trên các chiến trường như Tây Nguyên và Pleiku, Sư đoàn 305 đã ghi dấu nhiều chiến công quan trọng. Tháng 7/1954, theo lệnh của cấp trên, Sư đoàn chuyển ra miền Bắc, góp phần bảo vệ an ninh và thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến ngày 8/2/1961, Sư đoàn 305 chuyển thành Lữ đoàn nhảy dù.

Ngày 19/3/1967, cán bộ và chiến sĩ của Đại đoàn 305 Dù - Đặc công được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại đoàn 305 Dù - Đặc công trình diễn kỹ thuật và chính thức công bố thành lập Binh chủng Đặc công. Đây là bước phát triển mới của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành và chiến đấu của Bộ đội Đặc công Việt Nam.

Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và chiến đấu, Bộ đội Đặc công đã được Đảng, Nhà nước, và Quốc hội tuyên dương Binh chủng 2 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân với 16 chữ vàng truyền thống: “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”. Ngoài ra, còn có 104 tập thể và 231 cá nhân khác cũng được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thế Duy
Bài viết cùng chủ đề: Quân đội nhân dân Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

PGS.TS Trần Đình Thiên: Bộ Công Thương tiên phong cải cách hành chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Ngành Công Thương đóng góp rất lớn tạo bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu nông sản

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chống lãng phí phải đi đôi với cải cách thể chế, thông suốt các nguồn lực

Bộ Công Thương: Quyết tâm tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo trong chống lãng phí để phát triển bền vững

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

PGS.TS. Lê Hải Bình: Chống lãng phí - Điều kiện tiên quyết để đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng chúc mừng Giáng sinh 2024 tại Giáo xứ Lào Cai

Chống lãng phí cũng phải quyết liệt, đồng bộ như chống tham nhũng

Khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

Cơ hội lớn cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người