Chủ động với Thỏa thuận Xanh của EU để xuất khẩu bền vững
Thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu (EU) được thông qua và triển khai từ đầu năm 2020. Đây là gói các sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EU đã ban hành gần 60 hành động để thực thi Thỏa thuận Xanh. Những quy định của EU sẽ có tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trên ba góc độ chính. Một là, làm gia tăng tiêu chuẩn xanh đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU; Hai là, làm gia tăng trách nhiệm tài chính xanh của một số nhà sản xuất liên quan đến những sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất khi nhập khẩu vào EU; Ba là, làm tăng trách nhiệm giải trình về nguồn gốc sản phẩm cũng như các yêu cầu liên quan đến tác động môi trường của quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.
Đơn cử, EU là thị trường quan trọng nhất đối với ngành cà phê của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường EU hàng năm đạt trên 1,5 tỷ USD. Như vậy, theo Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), đối với với quy định Luật Chống phá rừng (EUDR) ảnh hưởng rất lớn tới ngành cà phê, đặc biệt là ảnh hưởng tới người trồng cà phê. Thị trường EU cũng có những yêu cầu về quy định trách nhiệm thẩm định giải trình rất phức tạp. Trong khi đó, ngành cà phê của Việt Nam chỉ có khoảng trên 30% được chứng nhận sản xuất cà phê bền vững của EU, còn lại trên 60% chưa được chứng nhận.
EU là thị trường quan trọng nhất đối với ngành cà phê của Việt Nam - Ảnh minh họa |
Trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan đã có rất nhiều phiên làm việc với EU về vấn đề môi trường và bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân triển khai đáp ứng các quy định của EU.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhận định, EU là thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may và giày dép của Việt Nam. Song, đây cũng là những ngành hàng có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh EU. Theo đó, kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. "Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ cần điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh" - Bà Thúy thông tin.
Với Thỏa thuận Xanh EU, ngành bao bì cũng phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn. Hay đối với nông sản và thủy sản, Thỏa thuận Xanh EU đặt ra một cách tiếp cận nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường hơn. Ngành sắt thép cũng có khả năng bị ảnh hưởng do Thỏa thuận Xanh EU đặt ra mục tiêu giảm sử dụng các vật liệu sử dụng nhiều năng lượng và chuyển sang sử dụng các vật liệu bền vững hơn.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, Thỏa thuận Xanh EU không phải một bộ tiêu chuẩn xanh cố định, cũng không phải là một kế hoạch mà là một lộ trình chi tiết đầy đủ và tổng thể cho việc chuyển đổi xanh của EU. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần phải tìm hiểu để biết về những diễn tiến, hành động của EU trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU có ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này...
Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, bản thân các doanh nghiệp cần nhận diện được những khó khăn, thách thức về sản phẩm của mình đối với những quy định từ Thỏa thuận xanh EU. Về chiến lược lâu dài, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển công nghiệp xanh, chính sách để thu hút đầu tư cũng như định hướng phát triển những dự án công nghiệp thân thiện với môi trường. Ngoài ra, nhà nước cũng thực hiện hàng loạt hỗ trợ ngắn hạn giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.
Để chủ động với Thỏa thuận Xanh, đón đầu cơ hội xuất khẩu bền vững, VCCI cho rằng, việc tìm hiểu kỹ, theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU liên quan tới sản phẩm của mình là đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần cân nhắc áp dụng những biện pháp bền vững và thân thiện với môi trường như việc giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng vật liệu tái chế.
Cùng với đó, đối với cơ chế điều chỉnh carbon, thay vì mua chứng chỉ carbon của EU, các doanh nghiệp nên bắt đầu thực hiện các bước để giảm khí thải carbon trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, cần chuyển từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững. Chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững do Thỏa thuận Xanh EU đặt ra.