Chống “Virus Việt Á” cần loại vaccine nào?
"Virus Việt Á” nhân tai độc hại, quật ngã nhiều cán bộ ngành y tế và liên quan, kể cả cán bộ cấp cao, những người với trọng trách của mình, nhẽ ra phải là những tấm gương sáng, tiêu biểu trong cuộc chiến chống thứ virus gây nên đại dịch Covid-19.
Cho đến nay, đã có cả chục Giám đốc các CDC ( Trung tâm Kiểm soát bệnh tậtcủa các tỉnh, thành phố) cùng với khoảng 30 cán bộ liên quan, 3 quan chức cấp vụ của hai bộ Y tế và Khoa học Công nghệ bị khởi tố; hai sĩ quan quân y cấp tá bị khởi tố, hai tướng quân y bị cách hết chức vụ trong đảng, ba thứ trưởng bị cảnh cáo và khiển trách, hai bộ trưởng và nguyên bộ trưởng bị UBKT TƯ đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật. Bên cạnh đó còn một số tổ chức Đảng bị cảnh cáo, khiển trách.
Con số các cá nhân vi phạm chắc sẽ chưa dừng lại ở đó, khi các cơ quan chức năng vẫn còn đang tiếp tục công cuộc điều tra.
Những vi phạm của một số cá nhân nêu trên, như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của bộ ngành. Là những cán bộ lãnh đạo, họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đảng ta, từ nhiều năm nay, đã phát động cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân. Nhưng tấm gương sáng ngời của Bác Hồ về phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, hết sức hết lòng phục vụ nhân dân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí của Người đã chưa được thấm nhuần ở một số cán bộ, đảng viên. Mà những người vi phạm như Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra, đã bị cơ quan chức năng thi hành kỷ luật, bị khởi tố, bắt tạm giam là ví dụ.
Không thể kể hết sự phẫn nộ, lên án trong dư luận đối với những cá nhân bị dính thứ “virus Việt Á” này trong cái bả tiền bạc núp dưới miếng mồi hấp dẫn "hoa hồng”. Là người công tác thâm niên trong lĩnh vực luật pháp, Luật sư Nguyễn Chiến, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, chia sẻ trên VOV rằng cá nhân ông rất sốc và bức xúc bởi những người cứ ngỡ là anh hùng trong phòng chống dịch nhưng thực tế lại tìm cách kiếm chác bỏ túi riêng tiền tỷ.
Vụ Việt Á là một điển hình của vấn đề “hoa hồng” trong mua sắm trang thiết bị của ngành y tế, và của cả nhiều ngành khác. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để chống lại thứ bả “hoa hồng” này? Qua vụ việc này cơ quan chức năng sẽ nhìn ra những kẽ hở của luật pháp đã bị lợi dụng để từ đó có sự kiến nghị điều chỉnh Luật và siết chặt quy trình, nâng cao trách nhiệm quản lý của các bên liên quan .
Trong một vụ án vừa mới đây liên quan đến trách nhiệm của ngành chăm sóc sức khỏe nhân dân, dư luận rất quan tâm đến phát biểu trước tòa của bị can Trương Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng phụ trách ngành dược của Bộ Y tế , rằng “hiện nay sau các vụ bắt giữ sai phạm, siết chặt, thì nhiều đơn vị y tế không còn dám thực hiện mua sắm thiết bị y tế, thuốc men và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám chữa bệnh". Nói thế chẳng hóa ra việc mua sắm này khó làm đúng nên tất cả những người làm đều sợ trách nhiệm. Và những người vi phạm là những người đã dám làm vì trách nhiệm?
Đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm được giao phó của ngành y tế, mua sắm trang thiết bị, thuốc men là để phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Họ đã có công cụ chính sách, luật pháp để thực hiện nhiệm vụ của mình. Nói như một đại biểu Quốc hội thì “pháp luật xây dựng là để thực hiện, chứ không phải là để sợ hãi”. Vấn đề không phải là có dám thực hiện hay không mà là thực hiện như thế nào! Nếu việc mua sắm diễn ra minh bạch, được thực hiện với ý thức trách nhiệm và đạo đức của người thực thi thì không khó để làm đúng. Còn nếu đã có ý đồ trục lợi, tìm mọi cách để kiếm chác thì quy định luật pháp dù chặt chẽ đến đâu cũng vẫn cứ bị lợi dụng.
Chỉ khi thứ vaccine minh bạch, trách nhiệm và đạo đức được phát phát huy mới kiềm chế được thứ “virus Việt Á” kia!