Thứ ba 05/11/2024 18:17

Cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội

Chiều 18/12, tiếp tục Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội và bước đầu chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã “quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất” và “giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn...”.

Toàn cảnh phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/12

Căn cứ quy định nêu trên, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đề xuất về thời điểm cụ thể để trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung trên (tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 hoặc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV).

Đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực 9 Ủy ban và ý kiến của Ban Dân nguyện. Trong đó Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để triển khai xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo trình tự, thủ tục quy định.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị: Kỳ họp bất thường của Quốc hội thường diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn để xem xét, quyết định các nội dung quan trọng, cấp thiết để đáp ứng ngay đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Do đó, các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường phải đáp ứng tiêu chí về tính cấp thiết, phải được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan, hạn chế tối đa việc trình Kỳ họp bất thường những nội dung có nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Đồng thời, cũng cần tính toán để bảo đảm thời điểm tổ chức, quỹ thời gian hợp lý trong Kỳ họp cho các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện văn bản trình Quốc hội thông qua theo đúng quy trình, thủ tục quy định, nhất là những dự án, dự thảo lớn, nội dung phức tạp; các đại biểu Quốc hội cũng cần có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, trên cơ sở xem xét chất lượng chuẩn bị, nếu hồ sơ tài liệu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng thì đề nghị trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 những nội dung sau đây: Xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện; Xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).

Về thời gian và hình thức họp, Dự kiến Quốc hội họp 03 ngày, khai mạc vào ngày 15/1/2024 và chia thành 02 đợt (Quốc hội nghỉ 02 ngày làm việc giữa 02 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua).

Về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ông Bùi Văn Cường nêu, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, trường hợp Kỳ họp bất thường lần thứ 5 được tổ chức để xem xét, quyết định các nội dung nêu trên thì dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét các nội dung sau: Công tác lập pháp: 12 ngày.

Cụ thể, xem xét, thông qua 9 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; cho ý kiến 9 dự án luật.

Đồng thời, dành 8,75 ngày xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Cụ thể: Xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát năm và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025;

Tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”;

Mặt khác, nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; xem xét kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6;

Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; Xem xét, quyết định Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).

Do số lượng nội dung Kỳ họp thứ 7 rất lớn trên cả 3 mảng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng với nhiều nội dung khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 7 theo 2 đợt họp để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Dự kiến Quốc hội khai mạc vào thứ Hai, ngày 20/5/2024 và thời gian của 2 đợt họp như sau:

Đợt 1: 14 ngày (từ ngày 20/5 đến ngày 6/6/2024), chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp và thảo luận ở Tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn.

Đợt 2: 8 ngày, từ ngày 17/6 đến ngày 26/6/2024, chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở Tổ về một số dự án luật và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Như vậy, dự kiến Quốc hội làm việc 22 ngày, dự kiến bế mạc ngày 26/6/2024.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Hạn chế đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng

Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối hoàn thành sớm, chống lãng phí rất lớn

Diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không: Cơ hội quảng bá và thu hút đầu tư thương mại du lịch

Các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Chi thường xuyên cho trả tiền lương chiếm tới 45%

Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc

Bộ trưởng báo tin vui khi Chỉ số hạnh phúc và Chỉ tiêu năng suất lao động của Việt Nam đều tăng

Đề nghị Quốc hội giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự các hội nghị GMS, ACMECS và CLMV tại Trung Quốc

Chương trình Thương hiệu quốc gia đã khẳng định được trí tuệ, bản lĩnh của doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là biểu tượng của sáng tạo và năng lực tiên phong

Cơ cấu lại kinh tế vùng, đưa Đông Nam Bộ đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao

Vì sao đầu tư công lớn nhưng không dẫn dắt được đầu tư tư?

Việt Nam có thể vươn lên trở thành điểm đến lý tưởng của ngành bán dẫn toàn cầu

Năng suất lao động thấp, chi phí Logistic cao, đại biểu đề nghị miễn thuế cho doanh nghiệp cảng

Mở đợt cao điểm xử lý dứt điểm tàu cá '03 không' trong tháng 11/2024

Hội nghị thượng đỉnh GMS sẽ thảo luận những lĩnh vực hợp tác mới, tạo 'đột phá' phát triển tiểu vùng MeKong

Cử tri Gia Lai phấn khởi, kỳ vọng về Luật Điện lực (sửa đổi)

Chống lãng phí thành công, đất nước ta sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới