Thứ ba 05/11/2024 11:20

Cho vay tiêu dùng gặp "khủng hoảng", công ty tài chính "gồng lỗ" hàng ngàn tỷ

Lợi nhuận nhiều công ty tài chính cho vay tiêu dùng sụt giảm, thậm chí lỗ đậm hàng ngàn tỷ, nợ xấu tăng nhanh, phải thu hẹp quy mô hoạt động.

Các công ty tài chính cho vay tiêu dùng vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu 2023 với bức tranh tài chính ảm đạm, thể hiện rõ hơn sự lao đao trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nợ vay suy giảm, nợ xấu gia tăng...

Hết thời “gà đẻ trứng vàng”

Công ty cổ phần Kinh doanh F88 vừa có báo cáo tài chính nửa đầu năm 2023 với kết quả kém tích cực. Cụ thể, F88 lỗ kỷ lục 368 tỷ đồng 6 tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 46,27 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) theo đó giảm mạnh từ 9,1% về -30,1%.

Về vốn chủ sở hữu, F88 có 1.588 tỷ đồng cuối tháng 6/2023, tăng gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước. Nợ phải trả hơn 2.286 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ giảm dư nợ trái phiếu khi F88 đẩy mạnh hoạt động mua lại.

Cuối quý 2/2023, nợ trái phiếu F88 còn hơn 222 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước hơn 1.900 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh kém khả quan của F88 còn diễn ra trong bối cảnh nhiều chi nhánh, điểm kinh doanh F88 bị công an kiểm tra. Tại TP. Hồ Chí Minh, Công an thành phố đã kiểm tra hàng loạt chi nhánh, điểm giao dịch của F88, trong đó đã khởi tố 10 bị can là cán bộ, nhân viên của công ty này để điều tra về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.

Công an nhiều tỉnh, thành phố khác trước đó cũng đồng loạt kiểm tra chi nhánh, điểm giao dịch của F88 tại Đồng Nai, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nam, Bình Dương…

Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) - công ty tài chính dẫn đầu về thị phần cũng thông báo lỗ đậm trong 6 tháng đầu năm. Khoản lỗ của FE Credit trong nửa đầu năm nay 2.996 tỷ đồng, tương đương với mức lỗ trong nửa cuối năm ngoái. Lũy kế, công ty tài chính này lỗ khoảng 6.000 tỷ đồng chỉ trong 4 quý trở lại đây. Vốn chủ sở hữu của FE Credit theo đó giảm hơn 35% từ hơn 15.900 tỷ đồng cuối quý II năm ngoái xuống còn 10.250 tỷ đồng.

Đại diện FE Credit đánh giá, lĩnh vực tài chính tiêu dùng trải qua một năm khủng hoảng

Đại diện FE Credit đánh giá, lĩnh vực tài chính tiêu dùng trải qua một năm khủng hoảng khi phải đối mặt liên tiếp với nhiều khó khăn, như suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng cao. Người lao động thu nhập trung bình thấp, vốn là phân khúc khách hàng chính của họ, mất việc hàng loạt do nhiều doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng hoặc giải thể.

Khó khăn chung với ngành, nhưng FE Credit cũng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với nhóm còn lại, xuất phát từ danh mục tập trung vào phân khúc cho vay rủi ro và chiến lược tăng trưởng nhanh từ giai đoạn trước.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc mở rộng quá nhanh trong giai đoạn trước và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của FE Credit cao hơn trung bình ngành.

Ngoài “ông lớn” FE Credit, một công ty khác trong nửa đầu năm nay cũng báo lỗ là Công ty tài chính Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance), thành viên của Shinhan Card (Hàn Quốc). Cùng kỳ năm ngoái, Shinhan Finance lãi sau thuế hơn 90 tỷ nhưng sang nửa đầu năm nay, đơn vị này lỗ 246 tỷ đồng.

Còn với Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam - đơn vị chiếm thị phần thứ hai, cũng ghi nhận mức lãi sau thuế giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi 6 tháng đầu năm ngoái Home Credit vẫn lãi hơn nghìn tỷ đồng thì tới nửa đầu năm nay lợi nhuận chỉ còn 211 tỷ đồng.

Công ty tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 73 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023 sau soát xét. Tại báo cáo tự lập trước đó, công ty báo lãi 17 tỷ đồng.

Không thua lỗ, song có mức sụt giảm mạnh cũng ghi nhận tại Công ty tài chính MB Shinsei (Mcredit) - liên doanh giữa Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng SBI Shinsei từ Nhật Bản. Lãi sau thuế của Mcredit giảm hơn 30% so với cùng kỳ, chỉ còn 328 tỷ đồng.

Thanh lọc thị trường

Kết quả kinh doanh của nhóm tài chính tiêu dùng đi xuống trong bối cảnh tệp khách hàng chính của họ rơi vào khó khăn, kéo theo nợ xấu tăng nhanh. Tình trạng chung, theo đại diện các công ty tài chính, công tác thu hồi nợ cực kỳ khó khăn do nhiều người dân giảm hoặc mất thu nhập cộng với tâm lý “bùng nợ” lên cao.

“Chưa bao giờ hoạt động tài chính tiêu dùng lại gặp khó khăn như hiện nay. Kinh tế khó khăn, cầu tiêu dùng kém khiến nhu cầu vay vốn tiêu dùng giảm mạnh trong khi những khoản dư nợ cũ thì khách vay không trả được” - một nhân viên cho vay tiêu dùng chia sẻ.

Nợ xấu lên cao đẩy công ty tài chính vào tình thế phải dừng cho vay mới để bảo toàn vốn

Bên cạnh đó, việc không được sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê, theo các đại diện công ty tài chính, càng khiến họ vào thế bí. Luật Đầu tư 2020 cấm dịch vụ đòi nợ thuê trong khi cơ chế khởi kiện đòi nợ khó khả thi do giá trị khoản vay thấp, thủ tục phức tạp, kéo dài.

Đại diện một công ty tài chính cho biết nợ xấu lên cao đẩy doanh nghiệp vào tình thế phải dừng cho vay mới để bảo toàn vốn. "Ba tháng đầu năm, chúng tôi đã ngừng cho vay mới và chỉ tập trung vào nhóm khách hàng có điểm tín nhiệm tốt" - đại diện này chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất của các công ty tài chính sau khi ngấm đòn từ dịch Covid-19 và hệ lụy do khó khăn của kinh tế kéo dài từ năm ngoái đến nay, nhất là hoạt động thu nợ.

“Việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường. Nhưng vừa qua xảy ra tình trạng cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra trụ sở, chi nhánh, văn phòng mở rộng của các công ty tài chính, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và dẫn đến hoạt động thu hồi nợ đang bị đình trệ, nợ xấu tăng cao” - ông Hùng nói.

Tỉ lệ khách vay không trả nợ, thậm chí rủ nhau “bùng nợ” ngày càng cao trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện càng khó thực hiện vì đa số các khoản nợ giá trị thấp. Theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến hết năm 2022, nợ xấu của các công ty tài chính tăng 23,09% so với thời điểm cuối năm trước và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.

“Bức tranh thị trường cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính sẽ còn tiếp tục khó khăn nếu không có chế tài với khách hàng vay không trả nợ. Công ty tài chính sẽ tiếp tục thu hẹp quy mô vì không dám cho vay, chỉ cho vay những khách hàng đạt chuẩn, đủ điều kiện” - ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển phân tích thị trường cho vay tiêu dùng gặp khó khăn một phần vì dịch Covid-19, phần khác do các công ty tài chính phải cạnh tranh và chia sẻ thị phần với ngân hàng thương mại cũng đang đẩy mạnh phân khúc bán lẻ hay các công ty fintech, cho vay ngang hàng (P2P lending).

Chưa hết, rủi ro tăng cao trong hoạt động thu hồi nợ. Cho vay được nhưng thu hồi nợ gặp khó khăn buộc các công ty phải tự cứu bằng cách kiểm soát đầu vào khách vay chặt hơn, đồng nghĩa với việc một lượng khách có nhu cầu vay nhưng không đủ chuẩn khó tiếp cận.

“Thị trường sẽ tiếp tục có sự thanh lọc những công ty tài chính, đây cũng là đòi hỏi tất yếu sau một giai đoạn lĩnh vực này bùng nổ. Nhu cầu vay tiêu dùng vẫn rất lớn nhưng công ty tài chính cần thẩm định kỹ, chỉ cho vay những khách hàng có khả năng trả nợ. Mở rộng đối tượng vay nhưng nợ xấu cao sẽ đẩy mặt bằng lãi suất lên, người trả nợ đúng hạn sẽ phải gánh lãi suất cho cả những người không trả được, không phải chiến lược tốt ở hiện tại” - TS. Đinh Thế Hiển phân tích.

Bên cạnh rủi ro khách hàng lên cao, nhu cầu mua sắm tiêu dùng, trả góp của người dân cũng kém hơn, ảnh hưởng tới khả năng mở rộng danh mục cho vay. Theo báo cáo của PwC Việt Nam, 62% người tiêu dùng cho biết họ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu không cần thiết, mạnh nhất là nhóm hàng hóa xa xỉ, du lịch và thiết bị điện tử.

Ngoài ra, chi phí vốn vẫn ở mức cao, cũng là một trong những nguyên nhân bào mòn lợi nhuận nhóm này. Các công ty tài chính không được huy động vốn trực tiếp từ dân cư mà huy động từ tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp, giai đoạn qua phải gánh chi phí tăng cao, do mặt bằng lãi suất đi lên từ cuối năm ngoái.

Hiện nay, thị trường có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, với dư nợ đạt trên 220.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống (tính đến cuối 2022). Tuy chiếm tỷ trọng không lớn so với tổng dư nợ nhưng hoạt động của nhóm này có ý nghĩa trong việc đẩy lùi nạn ‘tín dụng đen” tồn tại nhiều năm qua.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Tài chính ngân hàng

Tin cùng chuyên mục

Làm thế nào để tận dụng sức mạnh của lãi kép?

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Nâng cao vai trò đồng hành cùng các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi

BIDV khởi động Giải chạy mang Tết ấm cho người nghèo

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ Bac A Bank

Động thái mới sau chuyển giao bắt buộc của 2 ngân hàng '0 đồng'

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của khu vực đầu tư nước ngoài

Đề xuất mức thuế 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số

Thị trường chứng khoán giằng co khi áp lực cơ cấu của quỹ ETF Diamond và khối ngoại bán ròng

Đề xuất thay đổi thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng

Tín dụng tiêu dùng 'vào mùa'

9 tháng đầu năm 2024: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả

Đề xuất quy định mới về hồ sơ, thủ tục tổ chức lại tổ chức tín dụng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao ông Lại Hữu Phước làm quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng

Vì sao Tập đoàn CIENCO4 bị xử phạt gần 700 triệu đồng?

Quý cuối của năm, cuộc đua tiền gửi không kỳ hạn ngày càng gay cấn

Sản xuất dẫn dắt đà tăng trưởng GDP 2024

BIDV duy trì hoạt động ổn định, an toàn; đóng góp tích cực vào Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Techcombank tạo dấu ấn tại Smart Banking 2024: Giải pháp ngân hàng số 'vượt trội' Techcombank Mobile

Dự báo một năm thành công của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

CUB HCM hợp tác Thế Giới Di Động triển khai ứng dụng CUB Vietnam