Cho vay tài chính tiêu dùng đang tồn tại nhiều hỗn loạn
Vấn nạn tín dụng đen, đòi nợ khủng bố và cả những nhóm hội rủ nhau bùng nợ diễn biến phức tạp thời gian qua chính là hệ quả của sự hỗn loạn ấy.
Nhập nhằng công ty tài chính
Theo ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng - đến nay, có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng. Đến hết năm 2022, tổng dư nợ 16 đơn vị này đạt trên 220.000 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 1,87% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.
Nhiều dịch vụ cho vay nhanh mọc lên như nấm thời gian qua. Ảnh: Anh Tú |
Tuy nhiên, bên cạnh các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, còn có các công ty fintech, các công ty cho vay cầm đồ, các công ty lấy tên là công ty tài chính… cũng tham gia cho vay tiêu dùng song hoạt động theo Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, không chịu sự chi phối bởi Luật Các tổ chức tín dụng và không phải tuân thủ các tỉ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Một số đơn vị như vậy lợi dụng tên công ty tài chính mở rộng mạng lưới vào các địa bàn khó khăn, tiếp cận người dân cho vay vốn lãi suất rất cao dưới nhiều hình thức như: Cho vay nhanh, cho vay tiền mặt vào bất cứ thời điểm nào, chào lãi suất vay rất hấp dẫn nhưng cài cắm các chi phí khác rất cao…
Không những thế khi đòi nợ đã dùng mọi hành vi thủ đoạn manh động để ép người dân trả tiền. Hiện tượng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của các công ty tài chính, dẫn đến hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn.
Chưa dừng lại ở đó, về hoạt động thu hồi nợ, gần đây xảy ra hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính.
Việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các công tytài chính tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý.
Do ảnh hưởng về hình ảnh và uy tín khi các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang bị đánh đồng và đối xử như các công ty không được cấp phép nêu trên dẫn tới nhiều doanh nghiệp đang gửi tiền tại công ty tài chính rút tiền, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn cho vay.
Cân nhắc về một khung pháp lý riêng
Trao đổi về vấn đề này, theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đang có những góp ý cho Quốc hội về việc có nên hay không ban hành một khung pháp lý dành riêng cho hoạt động cho vay tiêu dùng khi không thể áp dụng Luật Các Tổ chức tín dụng cho các công ty tài chính và có nên gắn các quy định này tại Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi.
Bày tỏ quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật An Vi - nói rằng, có ý kiến đặt ra vấn đề tài chính tiêu dùng chính thống, trong đó có 16 công ty tài chính chính thống, do Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhưng theo quan điểm của ông, tín dụng cầm đồ cũng là chính thống bởi hoạt động theo sự cho phép của cơ quan Nhà nước. Vấn đề cần đặt ra là quy định về lãi suất, phí nên được quản lý như thế nào, hành lang pháp lý cho các mô hình đã tạo điều kiện hay chưa.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng - cũng đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng. Tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các công ty tài chính, nhất là việc thu hồi nợ, bán nợ, thuê tư vấn dịch vụ pháp lý...