Thứ tư 01/01/2025 06:55

Chính sách và đầu tư hợp lý sẽ nâng kinh tế số Đông Nam Á lên tầm cao mới

Đây là nhận định nêu trong báo cáo vừa xuất bản của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, khu vực này cũng đang đứng trước cơ hội hiếm có để đẩy nhanh tốc độ phát triển hơn qua việc củng cố nền tảng của nền kinh tế số.
Cần có những tiêu chuẩn hiệu quả cho giao dịch điện tử để kinh tế số phát triển bền vững

Báo cáo mới của WB đã phân tích những cơ hội và thách thức mà khu vực phải đối mặt để đẩy mạnh phát triển số hóa và đảm bảo những lợi ích kinh tế xã hội do công nghệ đem lại sẽ đến với tất cả mọi người.

“Các quốc gia Đông Nam Á đang có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực số hóa", ông Boutheina Guermazi, Giám đốc về Phát triển số của WB nói. Chuyên gia này mô tả, người dân các nước trong khu vực đã “bắt nhịp được với dịch vụ số hóa, nhưng quá trình áp dụng của các doanh nghiệp và Chính phủ nhìn chung chưa theo kịp”. Thêm vào đó, những trở ngại về quy định và thiếu sự tin tưởng với giao dịch điện tử đang cản trở sự phát triển của các hệ thống số.

Mặc dù một nửa dân số trong khu vực đang sử dụng internet — tương đương với mức bình quân trên toàn cầu — nhưng tỷ lệ đó vẫn có thể được nâng lên nếu có các chính sách và hành động nhằm giảm giá thành, tăng tốc độ và tăng độ phủ sóng Internet băng thông rộng. Tại các quốc gia thu nhập trung bình trong khu vực, chỉ có 2 trên 5 người được tiếp cận internet di động tốc độ cao (mạng 4G) - ở các quốc gia thu nhập thấp, tỷ lệ đó chỉ là 1 trên 5. Điều quan trọng là cần có sự phối hợp chủ động giữa khu vực công và tư nhân cũng như phương thức quản lý nhà nước chủ động để khơi thông những khoản đầu tư cần thiết về hạ tầng số và nâng cao tính cạnh tranh trong ngành viễn thông.

Khi chuyển đổi công nghệ số đang diễn ra ở tất cả các ngành kinh tế, kỹ năng của lực lượng lao động trong khu vực cũng cần phải bắt nhịp. Hệ thống giáo dục có vai trò chính trong việc phát triển kiến thức kỹ thuật và kỹ năng mềm cần thiết để tồn tại trong nền kinh tế số toàn cầu đầy tính cạnh tranh. Khi công nghệ đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, khả năng thích ứng và học trọn đời càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và cần có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa khu vực công và khu vực tư nhân.

Thanh toán số cũng là một trong những trụ cột căn bản khác để tạo nên nền kinh tế số, nhưng báo cáo cho thấy lĩnh vực này vẫn chưa phát triển ở Đông Nam Á so với những nơi khác trên thế giới. Ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, thanh toán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt. Bộ dữ liệu toàn cầu về tài chính toàn diện của Ngân hàng Thế giới (findex) cho thấy chỉ có 19% người có tài khoản tài chính trong khu vực đang truy cập tài khoản của mình qua internet. Để tạo môi trường thuận lợi về tài chính số, cần phải triển khai các hệ thống định danh số hiện đại cùng với những quy định vững chắc. Đồng thời, các khoản chi trả của chính phủ, lương hưu, hỗ trợ tài chính có điều kiện và các chương trình xã hội khác - cũng cần áp dụng công nghệ số, để khuyến khích tạo đà và thay đổi hơn nữa.

Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng phát triển số ở Đông Nam Á không thể chỉ phụ thuộc vào những nền tảng ảo. Ngành logistics vận hành tốt là điều kiện thiết yếu để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế số, đặc biệt là thương mại điện tử. Trong khu vực, khung pháp quy hiện đại về logistics có thể nâng cao cạnh tranh, giảm chi phí logistics và cải thiện chất lượng dịch vụ. Cụ thể, hợp lý hóa thủ tục hải quan có thể tạo điều kiện để vận chuyển nhanh hơn, rẻ hơn, dễ đoán biết hơn và đẩy mạnh thương mại điện tử.

Tương tự, hội nhập khu vực, bao gồm cả hài hòa về quy định và tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các quốc gia ASEAN có thể tạo ra một thị trường số tích hợp đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cuối cùng, để xử lý rủi ro và nguy cơ dễ tổn thương liên quan đến chuyển đổi số, báo cáo khuyến nghị nên ưu tiên về quy định và tiêu chuẩn hiệu quả cho giao dịch điện tử, lưu chuyển dữ liệu qua biên giới, an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, và bảo vệ người tiêu dùng. Các biện pháp thực chất trong các lĩnh vực trên là thiết yếu để xây dựng lòng tin với những nền tảng trực tuyến, và hình thành nên các nền kinh tế số an toàn và bền vững hơn.

Quang Lộc
Bài viết cùng chủ đề: Đông Nam Á