Israel lần đầu tiên sử dụng THAAD trong nhiệm vụ phòng thủ tên lửa; Hải quân Nga tăng cường sức mạnh với các tàu ngầm Yasen-M mang tên lửa Zircon… là những nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.
Hải quân Nga tăng cường sức mạnh với các tàu ngầm Yasen-M mang tên lửa Zircon
Hãng thông tấn TASS đăng tải, Hải quân Nga sẽ nhận được 4 tàu ngầm hạt nhân đa năng Project 885M Yasen-M. Điều này đã được công bố bởi Tổng tư lệnh Hải quân, Đô đốc Alexander Moiseev.
“Việc đóng hàng loạt tàu ngầm của dự án này sẽ tiếp tục. Trong tương lai gần, Hải quân sẽ được bổ sung 4 tàu ngầm hạt nhân đa năng có tên Perm, Ulyanovsk, Voronezh và Vladivostok”, Đô đốc Alexander Moiseev cho biết trong buổi lễ tiếp nhận tàu ngầm Arkhangelsk.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen-M của Nga. Ảnh: Rian |
Ông Moiseev nhấn mạnh rằng tàu ngầm hạt nhân Arkhangelsk có thể mang tất cả các loại vũ khí tên lửa hải quân, có khả năng tấn công hiệu quả các mục tiêu trên mặt nước và ven biển.
Yasen-M là lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân tiên tiến và đắt giá nhất trong biên chế Hải quân Nga và được xếp loại là tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ thứ 4. Chiếc tàu ngầm lớp Yasen đầu tiên đã được biên chế cho Hạm đội Biển Bắc năm 2014.
Với ngư lôi tự dẫn và tên lửa hành trình, tàu ngầm lớp Yasen có thể thực hiện các vụ tấn công trong tầm 600km. Tàu ngầm lớp Yasen thực sự là mối nguy hiểm chết người đối với chiến hạm, tàu ngầm đối phương. Một điểm đặc biệt của tàu ngầm lớp Yasen là được trang bị hệ thống ngói cao su giảm ồn và khung thép từ tính thấp giúp nó dường như vô hình trong lòng đại dương.
Tàu ngầm lớp Yasen thực sự là “kho vũ khí” dưới lòng biển với 32 tên lửa Kalibr hay 24 tên lửa Onyx. Sức mạnh của lớp tàu ngầm này còn được nâng tầm khi được tái trang bị tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon mới đây. Với tầm bắn đạt hơn 1.000km, tốc độ bay tối đa tới Mach 9, Zircon gần như không thể bị ngăn chặn.
Cùng với các giếng phóng tên lửa, tàu ngầm lớp Yasen/Yasen-M có 8 ống phóng ngư lôi 650mm và 2 ống phóng cỡ 533mm cho phép tàu ngầm này thực hiện các đợt tấn công bằng ngư lôi hoặc rải thủy lôi ngăn chặn tàu đối phương.
Với hệ thống thủy âm cỡ lớn và hiện đại ẩn nấp dưới đại dương, tàu ngầm lớp Yasen là đối thủ xứng tầm với tàu ngầm tấn công lớp Seawolf của Mỹ.
Đầu tháng 12/2024, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov tuyên bố đến năm 2028, Hải quân Nga sẽ nhận được 3 tàu ngầm mang tên lửa chiến lược lớp Borei-A.
Áo mua máy bay chiến đấu hạng nhẹ M-346FA
Bộ Quốc phòng Áo tuyên bố Áo sẽ mua 12 máy bay chiến đấu M-346FA từ tập đoàn Leonardo như một phần hợp tác với Ý.
“Áo có kế hoạch mua 12 máy bay phản lực M-346FA như một phần của thỏa thuận liên chính phủ với Ý”, hãng tin RIA Novosti trích thông cáo báo chí từ Bộ Quốc phòng Áo đăng tải.
M-346 FA là máy bay chiến đấu hạng nhẹ, kiêm nhiệm vụ huấn luyện. Ảnh: Getty |
M-346FA sẽ được mua để thay thế máy bay huấn luyện Saab 105 đã ngừng hoạt động vào năm 2020. Ngân sách mua hàng đã được phân bổ và phê duyệt vào năm 2022.
“Bằng cách mua máy bay M-346FA, chúng tôi đang nâng cao năng lực chiến đấu của không quân. Chúng tôi không chỉ đưa 100% hoạt động đào tạo phi công của mình trở lại Áo mà còn tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ”, Bộ trưởng Quốc phòng Claudia Tanner cho biết.
M-346 FA là máy bay phản lực cận âm hai chỗ ngồi của tập đoàn Leonardo có khả năng mang theo vũ khí. Áo sẽ sử dụng nó để đào tạo phi công, hỗ trợ lực lượng mặt đất và cung cấp phòng không.
Israel lần đầu tiên sử dụng THAAD trong nhiệm vụ phòng thủ tên lửa
Lực lượng Phòng vệ Israel lần đầu tiên sử dụng thành công hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Với sự giúp đỡ của hệ thống này, một tên lửa đạn đạo do lực lượng
Theo trang tin Defence Industry Europe, hỗ trợ phát hiện mục tiêu cho THAAD là các hệ thống phòng thủ tên lửa lớp Arrow của Israel.
Hệ thống THAAD độc đáo ở chỗ nó có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo cả trong bầu khí quyển Trái đất và ngoài vũ trụ ở độ cao từ 30 đến 150 km. Đây là điểm khác biệt của nó với các hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow của Israel - Arrow 2 hoạt động trong bầu khí quyển và Arrow 3 hoạt động ngoài không gian. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được thiết kế để vô hiệu hóa các mối đe dọa ở nhiều phạm vi và quỹ đạo khác nhau.
Hệ thống THAAD. Ảnh: Defense News |
Hệ thống THAAD được triển khai ở Israel vào ngày 13/10/2024 theo lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Mục tiêu chính của nó là tăng cường khả năng phòng không của Israel trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ Iran, sau các đợt tập kích tên lửa trong năm nay.
Mặc dù các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen ít dữ dội hơn so với các cuộc tấn công do Iran thực hiện, nhưng chúng gây ra mối đe dọa thường trực vì Houthi thường sử dụng tên lửa đạn đạo hoặc máy bay không người lái. Đặc biệt là những tên lửa được phân loại là siêu thanh khí bị đánh chặn. Chính khoảng trống này mà hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ được tích hợp để tăng khả năng phòng thủ.
THAAD lần đầu tiên tham chiến vào năm 2022 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi nó đánh chặn một tên lửa của Houthi. Kể từ đó, UAE và Saudi Arabia đã mua một số tổ hợp THAAD để chống lại các mối đe dọa từ Iran và các quốc gia khác.
Mỹ hiện đang vận hành 7 hệ thống THAAD. Mỗi hệ thống có giá từ 1 tỷ đến 1,8 tỷ USD và có kế hoạch tăng số lượng lên 8 hệ thống để tăng cường khả năng phòng thủ trong tương lai. |