Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Nâng mức trợ cấp phù hợp
Trong đó nổi bật là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, các nghị định của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng…
75 năm qua, công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước |
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, đến nay Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng qua các thời kỳ.
Đặc biệt, tại Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, đã tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng, chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng.
Thực tế, đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng. Hệ thống các chính sách ưu đãi người có công ngày càng được hoàn thiện và được cả hệ thống chính trị tham gia triển khai đồng bộ, toàn diện; công tác chăm sóc người có công đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến làng, bản, thôn xóm; chế độ, chính sách đối với người có công được mở rộng về đối tượng thụ hưởng với mức trợ cấp được nâng lên hàng năm theo điều kiện kinh tế của đất nước.
Cụ thể, chế độ ưu đãi được thực hiện đa dạng, gồm: Trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần và các chế độ ưu đãi khác như hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh…
Người có công tùy từng đối tượng có chính sách chăm sóc đặc thù như: Chính sách trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình… và được chăm sóc với nhiều hình thức đa dạng như tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở y tế, trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
Đối với mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, từ năm 1994 đến nay, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh gắn liền với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Từ năm 2019 đến nay mức chuẩn là 1.624.000 đồng/người/tháng. Hiện cả nước có khoảng 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch Covid-19, tạo cơ sở để thực hiện triển khai chi trả hỗ trợ kịp thời, đầy đủ cho 994.626 đối tượng thuộc lĩnh vực người có công, với kinh phí khoảng 1.483 tỷ đồng.
Công tác xác nhận, công nhận người có công với cách mạng được triển khai chặt chẽ, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Từ năm 2016 - 2021 đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 4.200 liệt sỹ, cấp đổi lại hơn 90.000 bằng Tổ quốc gia công…
Giai đoạn từ năm 2017 - 2021, số xã phường làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ liên tục tăng dần từ 96,6 - 99%; chỉ tiêu mức sống của người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú tăng dần từ 98 - 98,6%.
Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng. Tính đến hết năm 2021 cả nước có 3.736/139.882 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị phụng dưỡng.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Điều đáng nói, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập… góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là những “công dân kiểu mẫu”, tấm gương sáng cho cộng đồng, xã hội noi theo. Đến nay, chỉ tiêu hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú đạt 98,6%.
Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong 75 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, thời gian tới các cấp, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị, toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội…
Đồng thời nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng; tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước…
Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), năm nay, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình cầu truyền hình trực tiếp gặp mặt nhân chứng lịch sử, tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng tại 5 điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Hà Giang, Quảng Nam. Bên cạnh đó các cơ quan, ban ngành, địa phương trong cả nước cũng sẽ có nhiều hoạt động tri ân anh hùng liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh. |