Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nắm bắt cơ hội mới
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng
Chia sẻ tại buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam, chiều 11/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Thủ tướng, ngày 13 tháng 10 hằng năm - Ngày Doanh nhân Việt Nam là dịp để chúng ta cùng tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã khẳng định: "Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế".
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định: "Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế".
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tinh thần là "hạ tầng thông suốt, chính sách thông thoáng, điều hành thông minh".
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.
Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã gây được tiếng vang tại khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Đề cập đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, bình đẳng và minh bạch.
Đặc biệt, bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Đồng thời, cam kết tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo thuận lợi, tăng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng; tạo dựng và củng cố niềm tin, cảm hứng kinh doanh; với phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển".
Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, minh bạch các loại thị trường như thị trường vốn, bất động sản, lao động. Đặc biệt là thị trường lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh, vì một Việt Nam hùng cường
Về phía cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, Thủ tướng đề nghị, cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế. Nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, cũng như phát triển văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm, đủ tầm.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu. Đẩy mạnh tìm hiểu, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Đồng thời, hoạt động đúng pháp luật, đề cao văn hóa kinh doanh, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các Hiệp hội doanh nghiệp phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và làm tốt công tác tư vấn, phản biện hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.
Các Hiệp hội là cầu nối, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, hùng mạnh vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Thủ tướng khẳng định: "Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để nắm bắt cơ hội mới, nâng cao năng lực nội sinh, góp phần vào xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no".
Để giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các vướng mắc khó khăn, có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc đã tồn tại từ lâu gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp.
Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Thúc đẩy đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân vừa và lớn để tạo động lực dẫn dắt, lan tỏa, tạo cơ hội để kích hoạt đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.