Chiến sự Nga-Ukraine ngày 26/12/2024: Hướng đi mới cho hòa bình ở Ukraine; Moldova vô tình thành tâm điểm
Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga - Ukraine:
Đàm phán ngừng bắn Ukraine gặp khó
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, phương Tây và Kiev hiện chỉ nói về lệnh ngừng bắn ở Ukraine, nhưng điều này không phù hợp với Moscow.
"Một lệnh ngừng bắn không phù hợp với Nga, chúng tôi cần các thỏa thuận đáng tin cậy và ràng buộc về mặt pháp lý", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong chương trình 60 Minutes trên kênh truyền hình Russia-1. Theo ông, các thỏa thuận nên nhằm mục đích loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột ở Ukraine.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua tiếp tục "nóng". Ảnh: RIA |
"Những vấn đề này bao gồm an ninh chung ở châu Âu, sự mở rộng của NATO, quyết định gần đây của các nước EU về việc gia nhập NATO và về cơ bản là xóa bỏ mọi khác biệt giữa hai tổ chức này", ông Lavrov nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Lavrov khẳng định, Nga cần những đề xuất nghiêm túc và cụ thể để giải quyết xung đột ở Ukraine.
Moldova vô tình thành tâm điểm
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, NATO cố đưa Moldova thành trung tâm hậu cần để cung cấp hỗ trợ Ukraine và tìm cách đưa cơ sở hạ tầng quân sự của nước này đến gần Nga hơn.
TASS dẫn lời bà Zakharova cho hay, phần lớn người dân Moldova không muốn tham gia liên minh quân sự này nhưng chính phủ Moldova vẫn coi đây là ưu tiên hàng đầu, thực chất là tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang Ukraine hoạt động hiệu quả hơn.
Giới chuyên gia cho rằng, việc Moldova trở thành căn cứ hậu cần cho Ukraine có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Khi phương Tây kiểm soát cơ sở hạ tầng của Moldova sẽ tạo ra một vùng đệm chiến lược với Nga.
Hướng đi mới cho hòa bình ở Ukraine
Theo tờ Neue Zürcher Zeitung của Thụy Sĩ, các nước châu Âu nên ủng hộ sáng kiến hòa bình của Brazil và Trung Quốc được đưa ra vào tháng 5 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, bao gồm việc tổ chức một hội nghị với sự tham gia của cả hai bên xung đột, thay vì tiếp tục trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Gerald Kurt - tác giả của bài viết - cho rằng, sự vắng mặt của Nga tại hội nghị thượng đỉnh Ukraine ở Bürgenstock, Thụy Sĩ “là sai lầm mang tính quyết định”. Giờ đây, bất chấp việc Mỹ, Pháp và Anh cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev, ngày càng rõ ràng Ukraine khó có thể giành lợi thế trong cuộc chiến này bằng biện pháp quân sự.
This browser does not support the video element.
Đồng thời, bất chấp các cuộc đàm phán ở Ba Lan, Anh, Pháp, Latvia, Estonia và Litva về việc thành lập một liên minh để đưa quân phương Tây tới Ukraine, những đề xuất như vậy có rất ít cơ hội thành công vì vấp phải sự phản đối ngày càng tăng.
“Trong mùa đông Ukraine thứ 4 của cuộc chiến, phương Tây phải tự hỏi liệu có các lựa chọn khác hay không. Vào tháng 5, sáng kiến của Brazil và Trung Quốc đã đề xuất một thể thức trong đó các bên tham chiến có thể thảo luận về các vấn đề ngừng bắn và cuối cùng là hòa bình trên cơ sở bình đẳng, cũng như tình trạng trung lập của Ukraine”, ông Gerald Kurt cho hay.
Ukraine không có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, Ukraine không thể tự mình tạo ra vũ khí hạt nhân. “Kiev không thể tự mình tạo ra vũ khí hạt nhân trong vài tuần. Đây là một sự thật”, Izvestia dẫn lời bà Zakharova nói.
Bà nói thêm, Ukraine sẽ chỉ có thể tạo ra vũ khí hạt nhân nếu nhận được các linh kiện quan trọng từ bên ngoài.
Trước đó, truyền thông Anh đưa tin, Ukraine có thể cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân trong vòng vài tháng nếu Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào đầu năm sau.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định, nước này không sở hữu, không phát triển và không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, Kiev tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Kiev đã tham gia từ cuối năm 1994 và cam kết loại trừ việc sử dụng nguyên liệu hạt nhân cho bất cứ mục đích quân sự nào.
Lầu Năm Góc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine
Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ thị cho Lầu Năm Góc tiếp tục tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Theo Nhà Trắng, những tháng gần đây, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hàng trăm tên lửa phòng không và thậm chí còn có kế hoạch gửi nhiều hơn nữa. “Tôi đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine và Mỹ sẽ làm việc không mệt mỏi để củng cố vị thế của Kiev” - Nhà Trắng dẫn lời ông Biden nói.
Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Kiev sẽ nhận được viện trợ quân sự của Mỹ, bao gồm hàng trăm nghìn quả đạn pháo và hàng nghìn tên lửa vào giữa tháng 1/2025. Tuy nhiên, ông lưu ý, việc cung cấp thêm tên lửa đánh chặn đang được lên kế hoạch.
Theo ước tính mới nhất của Lầu Năm Góc, Washington đã cam kết cung cấp tổng cộng 63,5 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi bắt đầu chính quyền ông Biden. Trong đó, bao gồm 62,9 tỷ USD hỗ trợ được phân bổ sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.