Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, năm 2020, nền kinh tế toàn cầu suy giảm khoảng 4,5% - mức suy giảm mạnh nhất trong vài thập kỷ gần đây. Sau thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19 vào nửa đầu năm 2020, mặc dù kinh tế đã phục hồi một phần nhưng nhiều nền kinh tế tiếp tục bị đình trệ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 2 ập đến. Cuộc khảo sát dự đoán kinh tế sẽ hồi phục ổn định trong năm nay. Tuy nhiên, do đại dịch kéo dài, lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Dự kiến, phải đến giữa năm 2022, GDP toàn cầu mới có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng.
Khảo sát cũng chỉ ra, trong quý 4, các chỉ số về đơn đặt hàng, việc làm và đầu tư xây dựng cơ bản toàn cầu đã được cải thiện ở mức khiêm tốn nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số "quan ngại cao", tức là lo ngại về việc khách hàng và nhà cung cấp bị phá sản, đã giảm xuống đôi chút trong quý 4/2020 nhưng vẫn ở mức cao, phản ánh rõ mức độ không chắc chắn của triển vọng kinh tế toàn cầu vào đầu năm 2021. Các quan ngại về lạm phát không đáng kể, cùng với lo ngại về chi phí giảm xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử.
Ông Warner Johnston - Giám đốc ACCA Hoa Kỳ - cho biết: “Năm ngoái có thể coi là năm tồi tệ nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong suốt vài thập kỷ qua. Năm 2021 sẽ chứng kiến sự phục hồi, nhưng chưa chắc chắn về thời gian phục hồi và mức độ phục hồi. Chúng tôi dự đoán năm 2021 sẽ có một khởi đầu yếu nhưng sẽ có đà phục hồi trong nửa sau của năm. Quá trình phục hồi sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của đại dịch Covid-19 và vào việc liệu tiến triển của các chương trình vaccine có theo kịp được với các biến thể của virut hay không, tuy nhiên những diễn biến này mang theo rất nhiều điều không chắc chắn”.
Ông Raef Lawson, - Phó Chủ tịch phụ trách Nghiên cứu và chính sách của IMA - chỉ ra, các chính sách ứng phó với đại dịch đã khiến nền tài chính công của hầu hết các nền kinh tế rơi vào tình trạng nguy hiểm, nhiều quốc gia có tỷ lệ thâm hụt ngân sách từ 10 - 15% GDP với tỷ lệ nợ trên GDP đã vượt trên 100%.
"Có khá nhiều rủi ro trong năm nay. Triển vọng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của dịch bệnh và các biến thể phát sinh, tỷ lệ lây nhiễm cũng như tốc độ và hiệu quả của các chương trình vaccine. Khả năng có xác xuất cao nhất là nền kinh tế suy yếu vào đầu năm 2021 khi tỷ lệ lây nhiễm tăng cao, và sẽ phục hồi vào cuối năm khi các chương trình tiêm chủng có hiệu quả" - ông phân tích.
Khảo sát GECS là cuộc khảo sát kinh tế thường xuyên lớn nhất với sự tham gia của hơn 3.000 kế toán và chuyên gia tài chính cao cấp trên thế giới. Khảo sát lần này xác định được quy mô thực sự của suy thoái toàn cầu do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.