Chạy đua chọn trường điểm: Cho con môi trường học tốt hay thỏa mãn cái tôi của phụ huynh?
Là phụ huynh đã có con từng vào lớp 10 và chuẩn bị vào lớp 10 nên tôi hiểu vì sao bố mẹ làm vậy: Vì lo cho con, mong muốn con có môi trường học tốt nhất; là "bàn đạp" cho con thực hiện những ước mơ cao xa hơn... Nhưng liệu điều đó có hoàn toàn đúng?
Hàng trăm phụ huynh xếp hàng xuyên đêm trước cổng Trường tiểu học Vạn Bảo để xin học cho con vào lớp 1 |
Quay trở lại câu chuyện xảy ra tại Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội). Đây là trường công lập tự chủ tài chính, được trao quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về các khoản thu, khoản chi của đơn vị mình trong khuôn khổ pháp luật quy định.
Theo dự kiến, học phí Trường THPT Phan Huy Chú năm học 2023 - 2024 từ 58 triệu đồng đến hơn 59 triệu đồng/năm học (tùy lớp 1 hay 2 ngoại ngữ). Mức học phí khá cao nhưng vẫn thu hút phụ huynh, vì theo họ “đây là ngôi trường có chất lượng tốt”.
Tương tự, tối ngày 4/7, nhiều phụ huynh vây kín cổng Trường THPT Hoàng Cầu mong giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Trước đó, hàng trăm phụ huynh phải xếp hàng xuyên đêm trước cổng Trường tiểu học Vạn Bảo để xin học cho con vào lớp 1.
Đáng nói, những sự việc nêu trên không phải lần đầu tiên xảy ra ở Hà Nội. Để giành suất học cho con, năm nào cũng có việc phụ huynh không quản vất vả xếp hàng từ nửa đêm giành chỗ, chờ giờ nộp hồ sơ. Cuộc đua này ngày càng trở nên khốc liệt những năm gần đây và diễn ra chủ yếu trong khối tuyển sinh vào lớp 1, lớp 10.
Số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm nay số học sinh tốt nghiệp lớp 9 là 129.210 em, trong đó 69.805 em học sinh được tuyển vào lớp 10 THPT công lập (55,7%). Với số lượng này, tỷ lệ chọi trung bình được đánh giá khá khốc liệt, vào khoảng 1/1,85. Điều này đồng nghĩa với việc có rất nhiều em sẽ không đỗ vào trường công lập và có nhiều phụ huynh lại phải thức thâu đêm xếp hàng nộp hồ sơ vào trường khác.
Tuy nhiên, nếu bình tĩnh nhìn lại, những trường nêu trên đều là cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính và được nhiều phụ huynh nhìn nhận là “ngôi trường có chất lượng tốt”, thậm chí có phụ huynh không ngại chia sẻ: “Cố gắng cho con học được ở đây thì mới yên tâm, vì giáo viên không chỉ dạy mà còn rèn rất tốt. Con học ở môi trường điểm thì bố mẹ cũng mát mặt với bạn bè, họ hàng…”.
Không phủ nhận môi trường đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ, nhưng xét cho cùng, kiến thức cũng chỉ là nền tảng căn bản, còn thành công hay thành nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Trường điểm hay trường thường cũng chưa quyết định được bao nhiêu phần trăm việc thành công của con cái trong quá trình học tập cũng như trưởng thành, lớn lên. Thực tế, có nhiều học sinh được bố mẹ tìm mọi cách xin vào trường điểm nhưng rồi học tập không có gì nổi trội, thậm chí không theo kịp các bạn, chương trình học nên lại xin sang trường thường.
Như vậy, việc vất vả chọn trường cho con nhưng vô tình bố mẹ lại tạo thêm áp lực cho các con. Chúng ta hãy nên nhớ, bộ não cũng có giới hạn về sức khỏe, bắt một bộ não non nớt phải "học giỏi" chưa hẳn đã giúp cho trẻ giỏi giang lên mà nhiều khi kết quả còn ngược lại.
Vì thế, theo quan điểm cá nhân của người viết: Điều quan trọng là môi trường học tập đó các con có thật sự thích? lực học có phù hợp?
Hơn thế, ngoài học những kiến thức căn bản ở trường thì việc giáo dục cho trẻ về những kỹ năng sống, các giá trị đạo đức ở bất cứ thời nào cũng quan trọng không kém; trong đó có cả việc giáo dục cho trẻ lễ độ, đối xử tốt với mọi người và tránh xa sự chen lấn, giành giật. Vậy, khi nhìn thấy hình ảnh rất đông phụ huynh chen nhau nộp hồ sơ, những đứa trẻ suy nghĩ gì?
Trước sự việc này, nhiều ý kiến cho rằng: Nên xóa bỏ khái niệm "chất lượng cao" đối với các trường học cũng như các bệnh viện lớn trên cả nước. Việc này sẽ khiến người học/ người bệnh mất thêm tiền và tăng áp lực cho các trường học/ bệnh viện.