Thứ ba 24/12/2024 01:42

Chấn chỉnh những sai lệch để Phật giáo tốt đời đẹp đạo: Bài 1: Khi thuyết giảng xuyên tạc phá hoại đức tin

Nhiều chức sắc tôn giáo và cả những người mạo danh nhà tu hành đã có các việc làm trái đời ngược đạo, gây tổn hại tới thanh danh Phật giáo…

LTS: Đạo Phật từ lâu đã trở thành một tôn giáo lớn ở nước ta, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những chức sắc, tín đồ chân chính tu hành đúng giáo lý, giáo luật, có một số chức sắc đã đi ngược, làm sai, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đạo Phật; gây bức xúc trong xã hội, tạo cơ hội cho thế lực thù địch chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước những hiện tượng về một số nhà sư gây ồn ào dư luận thời gian qua, Báo Công Thương tổ chức triển khai loạt bài “Chấn chỉnh những sai lệch để Phật giáo tốt đời đẹp đạo”, xin được giới thiệu tới quý độc giả.

Nhóm người thực hiện một số hoạt động mang tính mê tín dị đoan, nhập đồng la hét tại chùa Hương Tích (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đầu tháng 3/2024.

Trái đời ngược đạo - những hiện tượng làm tổn hại thanh danh Phật giáo

Tôn giáo theo giải thích trong Luật Tôn giáo, tín ngưỡng năm 2016 là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Còn hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo.

Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng. Trong cách mạng dân tộc dân chủ, chính sách “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân kháng chiến thắng lợi, giành độc lập thống nhất hoàn toàn cho đất nước.

Năm 1990, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác tôn giáo, xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”, “nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng và kiên quyết đấu tranh chống các thế lực phản động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng”…

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, công tác vận động đồng bào có đạo, các tín đồ, chức sắc... hưởng ứng tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, tình hình hoạt động tôn giáo còn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo chỉ ra rằng: “Một số người chưa tuân thủ pháp luật, còn tổ chức truyền đạo trái phép; còn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan…”.

Tới nay sau hơn 20 năm, thực trạng này đã giảm đi nhiều nhưng vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi một số chức sắc tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo trong thuyết giảng, thực hành các nghi lễ tôn giáo đã tự biến chế, xuyên tạc giáo lý, phá hoại đức tin, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tạo cơ hội cho thế lực thù địch chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong đó phải kể đến những hoạt động tại chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) từng có nhiều vấn đề gây xôn xao dư luận, chỉ khi báo chí phê phán và Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các cơ quan chức năng vào cuộc, mới có dấu hiệu được chấn chỉnh, sửa sai.

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trụ trì Thiền tôn Phật Quang (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ) là Thượng toạ Thích Chân Quang cũng vừa bị kỷ luật do nội dung các bài thuyết giảng không đúng chánh pháp, gây hoang mang trong xã hội.

Một chức sắc tôn giáo Phật giáo khác là Đại đức Thích Nhuận Đức hôm 10/7/2024 cũng bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam gia tăng kỷ luật vì những lời khiếm nhã về bà con Khmer trong video năm 2023.

Cụ thể, Đại đức Thích Nhuận Đức bị kỷ luật cấm thuyết giảng vô thời hạn, dưới mọi hình thức; đồng thời, phải thành tâm sám hối với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, xin lỗi đồng bào và Phật tử Khmer về những lời nói, thái độ khiếm nhã về bà con Khmer

Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật cấm thuyết giảng trong mọi hình thức đối với Đại đức Thích Nhuận Đức trong thời gian một năm. Tại buổi làm việc ngày 4/6/2024, sau khi xem xét, đánh giá và được chỉ ra các sai phạm, Đại đức Thích Nhuận Đức đã xin sám hối chư Tăng và Giáo hội, gỡ các video thuyết giảng gây tranh cãi xuống khỏi các nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh những chức sắc tôn giáo thực hành trái với giáo lý, giáo luật, thời gian vừa qua còn xuất hiện tình trạng một số đối tượng đội lốt Phật giáo, nhân danh Phật giáo để làm điều xấu, vi phạm pháp luật.

Có thể dẫn chứng như trường hợp Nguyễn Minh Phúc (SN 1983, ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) nổi đình nổi đám trên mạng xã hội khi tự xưng là “sư thầy Thích Tâm Phúc”. Đối tượng này mặc áo nhà sư, nói năng với các từ ngữ thiếu văn hóa, gây sốc và ăn thịt chó, bún đậu, vịt quay, trứng lộn…

Ngày 12/7 vừa qua, sư giả Thích Tâm Phúc bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) truy tố hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Một vụ việc khác cũng thu hút sự chú ý của dư luận là vụ Tịnh Thất Bồng Lai (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Hồi tháng 11/2022, Toà án nhân dân tỉnh Long An tuyên phạt ông Lê Tùng Vân 5 năm tù về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự. Những vụ việc liên quan tới Tịnh Thất Bồng Lai vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, mở rộng.

Trên đây chỉ là một trong những chức sắc tôn giáo bị kỷ luật do thực hành trái với giáo lý, giáo luật Nhà phật và một số đối tượng đội lốt Phật giáo để thực hiện những hành vi trái đời ngược đạo thời gian vừa qua.

Hiện chưa có thống kê chính xác về các chức sắc tôn giáo bị thi hành kỷ luật, song số lượng chức sắc, tôn giáo vi phạm giáo lý, giáo luật bị kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật tới mức phải xử lý hình sự không hề ít.

Đơn cử, tháng 3/2023, Ban Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng quyết định khai trừ tu sĩ Thích Bản Tịnh (SN 1982, thế danh Nguyễn Thành Đức) do vi phạm giới luật phật chế, vi phạm pháp luật, tàng trữ trái phép ma túy.

Tháng 8/2021, tại một hộ gia đình ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, Công an xã này đã phát hiện, bắt quả tang 4 đối tượng có hình hành vi đánh bạc bằng hình thức đánh bài ăn thua bằng tiền, trong đó có Đại đức Thích Đồng Quý, thế danh Đặng Tấn Hợi (sinh năm 1986, trú tại thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Hay tháng 6/2017, lực lượng Công an huyện Phù Cừ (Hưng Yên) đã đấu tranh, triệt phá một tụ điểm ma tuý tại địa phương. Đáng chú ý, tụ điểm ma tuý này lại chính trong chùa Phúc Long do Thích Thanh Trúc làm trụ trì. Trước đó ít ngày, nhà sư này bị Công an huyện Thanh Miện (Hải Dương) triệu tập để xác minh làm rõ hành vi tự ý bán trộm quả chuông hơn 100 tuổi để lấy tiền trả nợ và mua ma tuý…

Lợi dụng tôn giáo để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngược lại khoảng thời gian 10 năm về trước, tại chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) cũng thường xuyên diễn ra các hoạt động không đúng với giáo lý, giáo luật của nhà Phật, có dấu hiệu mê tín dị đoan.

Cụ thể, vào mỗi dịp đầu năm, hàng nghìn người lại kéo tới chùa Phúc Khánh cúng dâng sao giải hạn và cầu an. Lượng người tin vào sự huyễn hoặc từ hoạt động cúng dâng sao giải hạn tại ngôi chùa này đông tới mức ngồi la liệt, tràn ra cả lòng đường, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tới năm 2019, sau khi báo chí phản ánh, nhiều chức sắc Phật giáo đã lên tiếng khẳng định hoạt động này không đúng với giáo lý, giáo luật nhà Phật và có dấu hiệu mê tín dị đoan.

Trong một bài trả lời phỏng vấn, Thượng toạ Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Giác Ngộ cho biết: “Nguồn gốc của cúng dâng sao giải hạn dịp đầu năm là một tập tục xuất phát từ Trung Hoa gắn kết với đạo Nho, đạo Lão và đây được coi là điều cấm kỵ trong đạo Phật”.

"Phật giáo coi việc dâng sao giải hạn này là mê tín. Bởi, người ta cứ nghĩ rằng có một lực lượng siêu nhiên, các chòm sao quản lý vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của con người, cho nên để tạo tâm lý trấn an người ta làm hài lòng các thần linh đó bằng cách cung kính”, Thượng toạ Thích Nhật Từ khẳng định.

Mới đây nhất, đầu tháng 3/2024, tại chùa Hương Tích (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), xuất hiện một nhóm du khách thực hiện một số hoạt động mang tính mê tín dị đoan, nhập đồng la hét, những người xung quanh quỳ lạy và có những hành vi trái với quy định.

Ngay sau đó, Ban Quản lý chùa Hương Tích và Công an huyện Can Lộc đã nhanh chóng ngăn chặn, đồng thời mời nhóm người này về làm việc, tuyên truyền giải thích và buộc cam kết không được tái diễn hoạt động tương tự tại khu vực chùa.

Ngoài ra, dấu hiệu thương mại hoá tại một số ngôi chùa lớn như chùa Hương (Hà Nội), chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Yên Tử (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)… cũng là vấn đề rất đáng bàn.

Không chỉ trùng tu, thêm tượng thêm bát hương, chen vào những kỷ lục để thu hút khách thập phương, một số chùa còn được doanh nghiệp đầu tư, cung cấp các dịch vụ tâm linh… biến chốn linh thiêng thành “trung tâm thương mại”, thành không gian giao dịch, mặc cả giữa những người cuồng tín với thần thánh.

Những hoạt động trái với giáo lý, giáo luật, có dấu hiệu mê tín dị đoan, thậm chí vi phạm pháp luật nói trên không chỉ gây tổn hại tới thanh danh của tôn giáo Phật giáo, mà còn vô hình chung tạo cơ hội cho thế lực phản động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước hết phải khẳng định rằng, những sự việc nêu trên chỉ là hành vi của một bộ phận chức sắc tôn giáo Phật giáo, là những “con sâu làm rầu nồi canh”, không đại diện cho số đông và hành vi phạm của những chức sắc này đã được cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Những dấu hiệu thương mại hoá các chùa nói trên cũng chỉ là hiện tượng.

Tuy nhiên, nhiều trang mạng phản động, điển hình phải kể đến trang phản động Việt Tân đã lợi dụng triệt để các sự việc này để tăng cường chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Chẳng hạn, lợi dụng một số bài thuyết giảng chưa phù hợp với giáo lý, giáo luật Nhà phật về cúng dường, nhân quả của một số chức sắc tôn giáo được dẫn chứng ở trên, tổ chức khủng bố Việt Tân đã xuyên tạc rằng: “Sư Quốc doanh nói: Chùa không có bổn phận phải giúp đỡ người nghèo. Bởi nghèo là cái nghiệp của họ phải gánh chịu! Phật tử nói: Vậy thì phật tử không có bổn phận phải cúng dường cho chùa. Chùa không có tiền là do nghiệp của các sư chưa đủ phước”.

Trong một bài đăng khác, chúng rêu rao rằng: “Chùa ở miền Bắc gỡ video, chùa ở miền Nam hạ clip nói về tu hạnh đầu đà chỉ còn vài cảnh ca múa nhạc. Các thầy cứ giảng về nhân quả nhưng bây giờ mới hiểu…”.

Đây là cách nói lấp lửng và có chủ đích của tổ chức khủng bố Việt Tân, nếu để ý kỹ một chút sẽ thấy cực kỳ nguy hiểm. Tại sao chúng không nêu rõ các trường hợp vi phạm và hình thức xử lý đối với các trường hợp vi phạm?

Mục đích của chúng là muốn đánh đồng tất cả các nhà tu hành đều là ''sư quốc doanh'', các ngôi chùa hiện nay đều là chùa quốc doanh, nhằm đánh vào uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phủ nhận những thành tựu to lớn, những mặt tích cực trong hoạt động xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được (công tác từ thiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện thường xuyên, liên tục với giá trị tới năm 2022 là hơn 7.000 tỷ đồng. Nhiều tăng ni, phật tử đã chung tay cùng chính quyền và nhân dân chăm lo, chia sẻ, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn, người tàn tật, neo đơn...).

Chưa dừng lại ở đó, chúng còn lồng ghép những sự việc không liên quan, chẳng hạn như việc ông Lê Anh Tú (SN 1981, thường gọi là Thích Minh Tuệ) được các Youtuber, Tiktoker, Facebooker… thổi lên thành hiện tượng mạng, rồi rêu rao, xuyên tạc, bịa đặt ông Lê Anh Tú bị bắt cưỡng bức buộc phải dừng việc tu tập.

Trên thực tế, ông Lê Anh Tú sau 7 ngày ẩn tu đã chia sẻ: “Tinh thần và sức khỏe của con vẫn tốt, vẫn đảm bảo để học tập theo lời Phật dạy được, không có người dân đông như thế, hay là những việc không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông xã hội, thì con vẫn học tập ở ngoài, không có gì thay đổi cả”.

Vì vậy, chúng ta cần hết sức cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Đây thực chất là những âm mưu thâm độc của thế lực thù địch, phản động nhằm hạ uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, về công tác quản lý tôn giáo tại Việt Nam, tiến tới từng bước làm thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bài 2: Họ xa rời Phật pháp chân chính, trái đời ngược đạo

Nhóm Phóng viên
Bài viết cùng chủ đề: Chùa Phúc Khánh

Tin cùng chuyên mục

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

Đào tạo, phát triển cán bộ trẻ - lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng hướng tới mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng

Kỳ 2: Nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm”

Kỳ 1: Nhận diện về những biểu hiện của căn bệnh “sợ trách nhiệm”

Lai Châu: Nhận diện những thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm xâm phạm an ninh quốc gia

“Tuần lễ Vàng” – dấu ấn của tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Di chúc của Bác mãi mãi đồng hành cùng dân tộc

Cán bộ, đảng viên thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng: Soi chiếu từ Quy định số 144-QĐ/TW

Giải pháp phòng, chống hoạt động ‘xâm lăng văn hóa’ đối với nước ta

Lan tỏa tinh thần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bộ mặt thật của Việt Tân từ cái gọi là 'hội luận kinh tế thị trường ở Việt Nam'

Bài 5: Đạo pháp bất ly thế gian pháp

Bài 4: Tư cách của tín đồ phải đứng sau nghĩa vụ công dân

Bài 3: Quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về Phật giáo

Bài 2: Họ xa rời Phật pháp chân chính, trái đời ngược đạo

Đoàn kết tôn giáo xây dựng đất nước phát triển bền vững