Chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam - Hành trình sắp cán đích
Theo ENV, sự kiện nhằm nhìn lại và kỉ niệm những dấu mốc quan trọng trong chặng đường gần 20 năm nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam. Năm 2005, sau khi phát hiện khoảng 4.000 cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật trên cả nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) thực hiện một chiến dịch nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng này.
Ngay từ bước khởi đầu, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 02/2005/QĐ-BNN về quản lý gấu nuôi nhốt. Theo đó, tất cả các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt phải được gắn chíp điện tử để nhận dạng và quản lý. Các cá thể gấu không có đăng ký, gắn chíp sẽ bị tịch thu. Hoạt động đăng ký quản lý và gắn chíp gấu đã được hoàn thành vào năm 2006.
Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Thanh Tuấn |
Chiến dịch chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật còn có sự tham gia của ENV, Tổ chức Động vật Châu Á (AAF), Tổ chức Four Paws và Free The Bears. Các tổ chức này đồng hành trong công tác cứu hộ gấu, hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật xử lý vi phạm về gấu, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ mật gấu và kêu gọi các chủ gấu tự nguyện chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ.
“Đăng ký và gắn chíp cho các cá thể gấu là một trong những bước quan trọng đầu tiên được thực hiện vào năm 2005”, bà Maya Pastakia - Quản lý chiến dịch của tổ chức WAP - cho biết.
“Dù đây là một hành trình rất dài và gian nan, nhưng cũng tương tự như nhiều đơn vị, cá nhân khác, chúng tôi rất tự hào vì hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật sẽ sớm bị xóa bỏ hoàn toàn tại Việt Nam”, bà Maya chia sẻ.
Sau gần 20 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, số lượng gấu bị nuôi nhốt đã giảm 95% từ khoảng 4.000 cá thể năm 2005 còn 192 cá thể tại 60 trại gấu tính đến hết tháng 8/2024. Hiện có 46/63 tỉnh, thành không còn gấu bị nuôi nhốt lấy mật.
Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trên cả nước đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ dần hoạt động nuôi gấu lấy mật thông qua các hoạt động đăng ký, gắn chíp, thường xuyên theo dõi số gấu bị nuôi nhốt cũng như đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ gấu.
“Chúng tôi trân trọng sự quan tâm và cam kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các ban ngành cũng như quyết tâm cao của các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là ở địa phương. Chúng ta sẽ không có mặt ở đây ngày hôm nay nếu như không có những nỗ lực bền bỉ của tất cả các cơ quan, đơn vị trong suốt 19 năm qua”, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV - cho biết.
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV - phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Thanh Tuấn |
Một số ví dụ điển hình như những nỗ lực bền bỉ của cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng trong việc thuyết phục các chủ gấu chuyển giao gấu, đưa tỉnh này trở thành một trong những tỉnh thành đầu tiên không còn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật. Bên cạnh đó, với quyết tâm cao độ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã rất xuất sắc vận động chủ nuôi chuyển giao thành công 94 cá thể gấu từ các trại gấu đến trung tâm cứu hộ.
Trong khi đó, Hà Nội vẫn là địa phương có số lượng gấu bị nuôi nhốt nhiều nhất cả nước, chiếm khoảng 49% tổng số gấu bị nuôi nhốt hiện nay tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 8 năm 2024, vẫn còn 94 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong 16 cơ sở tư nhân tại Hà Nội với 94,7% số gấu tập trung ở huyện Phúc Thọ.
“Thời gian gần đây, ENV đã ghi nhận một số chuyển biến tích cực tại Hà Nội trong công tác giám sát, thực thi pháp luật cũng như tuyên truyền, khuyến khích người dân tự nguyện chuyển giao gấu. Tuy nhiên, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cần tiến hành những biện pháp quyết liệt hơn để thực sự chấm dứt được tình trạng nuôi gấu lấy mật trên địa bàn thủ đô”, bà Hà thông tin.
Các cơ quan chức năng, đặc biệt là tại Hà Nội có thể triển khai một số hoạt động để mang lại hiệu quả tích cực hơn, bao gồm: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp nuôi nhốt, buôn bán trái phép gấu, mật gấu và các sản phẩm, bộ phận từ gấu.
Cũng theo ENV, các cơ quan chức năng cũng cần nỗ lực khuyến khích các chủ gấu còn lại tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước mà không cần “bồi thường”. Các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần kịp thời xử lý những hoạt động quảng cáo, buôn bán trái phép gấu, mật gấu và sản phẩm, bộ phận khác từ gấu đang phát triển mạnh mẽ trên internet, đặc biệt là thông qua các mạng xã hội như Facebook.
Ông Trần Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Nước Việt (Four Paws Việt) chia sẻ về công tác cứu hộ và chăm sóc gấu. Ảnh: Thanh Tuấn |
“Công tác thuyết phục chủ nuôi chuyển giao gấu tuy rất khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, chúng tôi tin rằng, tất cả các tỉnh thành đều có thể thành công. Để đẩy nhanh việc chấm dứt triệt để tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật gấu tàn nhẫn và bất hợp pháp, 17 tỉnh thành còn có gấu bị nuôi nhốt cần nhanh chóng có giải pháp chuyển giao toàn bộ 192 cá thể gấu còn lại đến các trung tâm cứu hộ, bảo tồn phù hợp”, bà Hà nhấn mạnh.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Hoàng Công Hoài Nam, Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết, khi địa phương vẫn tồn tại tình trạng nuôi nhốt gấu, bà đã kiên trì và nỗ lực thuyết phục, vận động các chủ nuôi chuyển giao 8 cá thể gấu đến trung tâm cứu hộ. Thành công này đã góp phần đưa Lâm Đồng trở thành một trong những địa phương đầu tiên không còn hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật.
Trong khi đó, ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho hay: “Trung tâm có chức năng cứu hộ các loài động vật hoang dã bị buôn bán trái phép, góp phần quan trọng vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ cứu hộ và chăm sóc 37 cá thể gấu, từ đó đóng góp tích cực vào nỗ lực chung nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam”.
“Tuy không phải là điểm nóng về nuôi nhốt gấu, nhưng Lạng Sơn lại có những chủ nuôi cứng rắn, không muốn chuyển giao gấu đến trung tâm cứu hộ. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực bền bỉ trong việc vận động, thuyết phục, chủ nuôi cuối cùng trên địa bàn tỉnh đã chuyển giao 3 cá thể gấu đến trung tâm cứu hộ, đưa Lạng Sơn trở thành địa phương thứ 40 không còn gấu bị nuôi nhốt” - ông Nông Trường Giang, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thành phố Lạng Sơn - bày tỏ.
ENV được thành lập vào năm 2000, là tổ chức phi chính phủ đầu tiên của Việt Nam tập trung vào bảo tồn động vật hoang dã. ENV đã dẫn đầu các nỗ lực chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật ở Việt Nam bằng cách áp dụng các chiến lược sáng tạo nhằm tăng cường pháp luật bảo vệ động vật hoang dã và việc áp dụng những luật này, hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật giải quyết tội phạm về động vật hoang dã và thu hút sự tham gia của cộng đồng để giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã và huy động người dân hành động để bảo vệ động vật hoang dã. ENV cam kết đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho động vật hoang dã, cả ở Việt Nam và trên toàn cầu. Kể từ năm 2007, ENV đã tập trung hoạt động vào ba lĩnh vực chương trình chính bao gồm phương pháp tiếp cận tổng hợp và chiến lược của ENV nhằm chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật tại Việt Nam. Hỗ trợ đóng góp ý kiến để tăng cường thể chế, khắc phục các lỗ hổng pháp luật, phát triển các chính sách hiệu quả và thúc đẩy quá trình ra quyết định có liên quan tới vấn đề bảo vệ động vật hoang dã. Hỗ trợ tăng cường thực thi pháp luật thông qua cung cấp thông tin và khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng cùng chung tay ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép. Giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã thông qua các chiến dịch dài hạn nhằm thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng. |