Theo báo cáo, những con cá mập voi này bị mắc vào lưới của một ngư dân địa phương tên là Viswanathapalli Veera Babu, ở làng ven biển Gilakaladindi, Machilipatnam mandal, quận Krishna, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ.
Hai con cá khổng lồ đã được anh Viswanathapalli Veera Babu và nhóm của anh bắt được vào ngày 26/7, một chiếc cần cẩu đã được sử dụng để giúp đưa con cá mập voi khổng lồ này vào bờ cảng Gilakaladindi, nơi nó thu hút rất nhiều sự chú ý của người dân địa phương.
Tuy nhiên, một trong số hai con cá mập voi đã chết. Hai con cá này thuộc giống Chukka Sora, loại không có giá trị thị trường cho nên con cá may mắn sống sót đã được thả trở lại đại dương.
"Trong điều kiện áp suất thấp ở vịnh Bengal, biển trở nên gợn sóng, cho phép những con cá khổng lồ vô tình vào gần bờ biển tìm kiếm thức ăn và không may vướng vào lưới của ngư dân, còn chúng tôi không chủ đích đánh bắt chúng", anh Viswanathapalli Veera Babu cho biết thêm.
Cá mập voi khổng lồ nặng khoảng 1.500 kg không may sa lưới của ngư dân Ấn Độ Ảnh: IUCN |
Theo một nhà bảo tồn động vật hoang dã xác nhận loài cá khổng lồ mà ngư dân Gilakaladindi đánh bắt được là cá mập voi.
Cá mập voi là động vật có xương sống không có vú lớn nhất còn sống. Con trưởng thành có thể phát triển tới chiều dài từ 8 đến 14,5 m. Loài cá khổng lồ hiền lành này là loài cá lớn nhất đại dương, nổi tiếng với kích thước khổng lồ. Ngoài kích thước, cá mập voi còn sở hữu những đặc điểm nổi bật khác. Chẳng hạn, chúng có phần đầu to và phẳng cùng một mõm tù. Ở đó mọc ra những sợi râu ngắn đóng vai trò như một cơ quan cảm giác.
Trên tấm lưng màu xám tới màu nâu vừa dài vừa rộng của loài cá này còn được điểm tô những đốm trắng và sọc màu xám xanh. Phần bụng của cá mập voi phủ một màu trắng đục tương phản với phần trên. Đặc biệt, những đốm trắng trên mỗi con cá mập voi được ví như dấu vân tay ở con người bởi đây chính là đặc điểm “định danh” để tạo nên sự riêng biệt của chúng.
Bên cạnh đó, chúng cũng được biết đến với tư cách là một sinh vật biển có tuổi thọ dài nhất thế giới bởi loài cá này có thể sống tới 100 đến 150 năm.
Cá mập voi chủ yếu ăn sinh vật phù du và cá nhỏ bằng phương pháp lọc thức ăn. Do chúng rất hiếm và đang đứng trên bờ vực của sự tuyệt chủng cho nên mọi cuộc chạm trán với loài này đều quan trọng đối với các nỗ lực bảo tồn biển.