Trong 2 ngày 8 - 9/2024, tại Hải Phòng, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức khóa tập huấn về kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật cho các cán bộ thuộc lực lượng Quản lý thị trường 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra.
Tập huấn về phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã |
Hơn 60 đại biểu đến từ Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh và thành phố khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung cùng đại diện Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng tham dự khóa tập huấn và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ công việc hàng ngày của mình.
Từ tháng 11/2023 - 4/2024, Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp hỗ trợ các phóng viên điều tra và xuất bản 51 bài báo về buôn bán động vật hoang dã. Các bài báo cho thấy tình hình buôn bán động vật hoang dã vẫn phức tạp và tinh vi, đặc biệt ở các tỉnh biên giới, thành phố lớn, chợ, nhà hàng và thị trường trực tuyến.
Kết quả cuộc khảo sát của Tổ chức PanNature năm 2021, cho thấy, một số chợ động vật hoang dã vẫn công khai hoạt động, buôn bán cả các loài quý hiếm, theo đó 27/31 địa điểm khảo sát ghi nhận buôn bán bất hợp pháp ngà voi; một số chợ ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn sôi động buôn bán rùa, chim và các loài động vật hoang dã khác, bao gồm loài quý hiếm.
Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục nghiệp vụ Quản lý thị trường - Tổng cục Quản lý thị trường - cho hay, chúng tôi đánh giá cao Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp đã hỗ trợ tổ chức hội nghị tập huấn này. Khóa tập huấn góp phần nâng cao kiến thức pháp luật và các biện pháp nghiệp vụ cho cán bộ Quản lý thị trường, giúp họ cải thiện kỹ năng nhận dạng động vật hoang dã nguy cấp và sản phẩm của chúng, cũng như kỹ năng thu thập thông tin, phát hiện, điều tra và xử lý các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường.
Ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - phát biểu tại buổi tập huấn |
Tại buổi tập huấn, các giảng viên đến từ Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Kiểm lâm và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã trình bày các chủ đề bao gồm cách xử lý động vật hoang dã và/hoặc các sản phẩm từ động vật hoang dã bị tịch thu trong các vụ án về tội phạm động vật hoang dã, các kỹ năng nghiệp vụ được sử dụng để ngăn chặn, phát hiện các hoạt động trái pháp luật, cũng như trách nhiệm của cán bộ trong việc xử lý với các vụ án về tội phạm động vật hoang dã.
Ông Vũ Văn Hưng - Phó Trưởng ban, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp - chia sẻ, lực lượng Quản lý thị trường có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, thanh tra, kiểm tra và phát hiện các vi phạm liên quan đến buôn bán động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã. Do vậy, khóa tập huấn sẽ hữu ích cho các cán bộ Quản lý thị trường trong việc xử lý vi phạm cũng như phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật khác trong công tác này.
Tại khóa tập huấn, các cán bộ Quản lý thị trường đã sôi nổi trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, đồng thời đề xuất những giải pháp thiết thực và hiệu quả trong công tác đấu tranh với các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật tại các thị trường trực tiếp và trực tuyến ở Việt Nam.
“Việc tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật là một trong những nguyên nhân làm phá hủy môi trường sống tự nhiên, gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Với vai trò của mình, các cán bộ Quản lý thị trường là một trong những người đầu tiên có thể phát hiện, ứng phó và ngăn chặn các tổn hại này. Do đó, khóa tập huấn hy vọng cán bộ Quản lý thị trường có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong việc đấu tranh với các trường hợp liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật”, ông Bùi Đăng Phong - Phó Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp - cho biết.
Kết thúc khóa tập huấn, các cán bộ quản lý thị trường có thể nắm được thông tin và áp dụng các kiến thức, kỹ năng và những bài học kinh nghiệm được trang bị trong khóa tập huấn vào trong công việc, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các chợ và xử lý với các vụ việc buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.